14/03/2023 (22:16:58)
TP.HCM hiện có 255 nhà vệ sinh công cộng, tập trung nhiều nhất ở quận 5 với 38 nhà vệ sinh và ít nhất ở quận Phú Nhuận, huyện Cần Giờ chỉ với 2 nhà vệ sinh.
Bảng chỉ dẫn nhà vệ sinh tại trạm xe buýt Bến Thành (quận 1). Ảnh: Chí Hùng. |
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về việc tăng cường nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn.
Theo Sở TN&MT, hiện tại TP.HCM có khoảng 255 nhà vệ sinh công cộng, tập trung nhiều nhất là ở quận 5 với 38 nhà vệ sinh và ít nhất ở quận Phú Nhuận, huyện Cần Giờ chỉ với 2 nhà vệ sinh.
Khu vực trung tâm thành phố như quận 1, quận 3 chỉ có khoảng 10 đến 18 nhà vệ sinh. Một số nơi nhà vệ sinh đã bị xuống cấp, hư hỏng không đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.
Theo đó, Sở TN&MT báo cáo, kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vận hành và khai thác các nhà vệ sinh công cộng tại các bến xe, công viên và các khu vực công cộng khác khẩn trương cải tạo, nâng cao chất lượng phục vụ.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động, khẩn trương lựa chọn vị trí thực hiện lắp đặt mới các nhà vệ sinh di động trên địa bàn.
Nhiều nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM đã xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh phục vụ. Ảnh: Chí Hùng. |
Các địa phương đồng thời, rà soát, vận động các chủ sở hữu, đơn vị quản lý, khai thác các cơ sở kinh doanh, dịch vụ như: Bưu điện, cây xăng, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn... nâng cấp, cải tạo chất lượng nhà vệ sinh tại cơ sở.
Vị trí lắp đặt nhà vệ sinh mới được xác định dựa trên nguyên tắc công trình thiết yếu, được bố trí nhằm phục vụ công ích.
Về đảm bảo điều kiện để vận hành các nhà vệ sinh công cộng trong thời gian tới, Tổng công ty Điện lực TP và Tổng công ty cấp nước Sài Gòn có trách nhiệm hỗ trợ UBND TP Thủ Đức và quận, huyện trong việc kết nối điện, nước để vận hành tại các công trình di động này khi có yêu cầu.
Sách hay về đô thị
Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.
Thư Trần
Theo: ZINGNEWS.VN |