25/02/2023 (18:28:05)
Sinh viên ngày nay bị cho là thế hệ bốc đồng, yếu đuối nhưng thực tế họ lại gặp nhiều áp lực từ chính nơi mình đang theo học.
Sức khỏe tinh thần của sinh viên suy giảm trong nhiều năm qua. Ảnh: Pexels. |
Trong một bài viết đăng trên tạp chí The Chronicle of Higher Education, một giáo sư viết rằng sinh viên đại học đang rơi vào tình trạng bất ổn. Họ mặc kệ bài tập về nhà, trượt kỳ thi, trốn học, buông thả một cách khó tin.
Năm 2022, tạp chí này thực hiện một khảo sát với hơn 100 giảng viên từ nhiều trường đại học. Các giảng viên cho biết sinh viên của họ thất bại và bị lấn át. Bằng chứng cho điều này là tình trạng kiệt sức và căng thẳng ở sinh viên.
Covid-19 có thể là một trong những yếu tố khiến tình trạng sức khỏe tinh thần của sinh viên trầm trọng hơn, nhưng các nghiên cứu dài hạn cho thấy sức khỏe tinh thần của những người trẻ này đã suy giảm trong nhiều năm trước khi đại dịch xảy ra.
Bàn về lý do sinh viên ngày nay gặp khó khăn, nhiều ý kiến tranh cãi bắt đầu nổ ra. Một số người cho rằng lý do chỉ đơn giản là sinh viên gen Z không đủ mạnh mẽ.
Nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt là một trong số những người chỉ trích sự yếu đuối của sinh viên gen Z. Trong một phỏng vấn với Wall Street Journal vào tháng 12/2022, ông cho rằng xã hội đang có cả một thế hệ học tập, làm việc rất tệ, đồng thời nói thêm rằng "chưa bao giờ có một thế hệ nào chán nản, lo âu và mong manh như vậy".
Theo ông Haidt, mạng xã hội và một phần "hệ tư tưởng mới" là nguyên nhân gây ra "cuộc khủng hoảng quốc gia" ở sinh viên đại học. Ông lập luận một cách cường điệu rằng những sinh viên Mỹ hiện nay nếu gia nhập lực lượng lao động có thể làm suy yếu chủ nghĩa tư bản của Mỹ.
"Người trẻ được sống ở nơi an toàn nhất, hòa nhập nhất và chống phân biệt chủng tộc nhất, nhưng nhiều người trong số đó hành động như thể đang bước vào một thế giới đen tối, vô đạo đức", ông Jonathan Haidt chỉ trích.
Sinh viên phải tham gia các hoạt động phi học thuật ở trường nên áp lực nặng nề hơn. Ảnh: YPulse. |
Tuy nhiên, suy nghĩ của ông Haidt có vẻ lỗi thời vì sự mong manh của sinh viên đã được chứng minh là bắt nguồn từ một vấn đề khác. Cụ thể, sinh viên đại học ngày nay bị nhà trường đối xử như một nhân viên.
Đối với gen X trở về trường, học đại học chỉ liên quan việc hoàn thành chương trình học thuật. Nhưng trong nhiều năm nay, các chương trình phi học thuật phát triển nhanh chóng ở trường đại học với mục đích chuẩn bị hành trang cho sinh viên khi bước vào cuộc sống.
Chương trình phi học thuật này không phải hoạt động ngoại khóa mà sinh viên tình nguyện tổ chức, tham gia. Những chương trình này thường được các nhà quản lý giáo dục thiết kế và được coi như một yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên, bên cạnh việc học. Một điều rắc rối là các chương trình này thường đi ngược lại đặc tính của nghiên cứu học thuật.
Bàn về những chương trình phi học thuật mà sinh viên đang bị ép tham gia, giáo sư Chad Wellmon của Đại học Virginia (Mỹ) gọi đó là Other University (tạm dịch: Đại học Khác).
Trong một bài luận được đăng trên tạp chí The Point vào năm 2021, giáo sư giải thích Đại học Khác không có khoa, chỉ có đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và tiến sĩ quản lý cấp cao. Thay vì cung cấp chương trình giảng dạy hàn lâm, Đại học Khác cung cấp chương trình sức khỏe và sự lành mạnh, nhận thức đa văn hóa, tiếp cận cộng đồng, làm giàu và tư vấn nghề nghiệp.
Trong đặc trưng quản lý của Đại học Khác, những chủ đề nêu trên không dùng để thảo luận và khám phá, chúng là những thông điệp sinh viên cần tiếp thu và tuân thủ.
"Nếu giảng viên đại học mong muốn hướng dẫn sinh viên theo cách tìm hiểu cởi mở, Đại học Khác sẽ khiến sinh viên tuân theo chuẩn mực và giá trị được tạo sẵn của một thế giới chuyên nghiệp - nơi mà sau này sinh viên sẽ sớm được tiếp cận", giáo sư Wellmon nói thêm.
Đại học Khác cung cấp khóa đào tạo trực tuyến, bao gồm các hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, các cuộc thảo luận do chuyên gia tư vấn và hướng dẫn quản lý xung đột, đáp ứng kỳ vọng của cuộc sống chuyên nghiệp dành cho người trưởng thành. Những yêu cầu này được thiết kế để phản ánh một thứ được gọi theo cách hoa mỹ là "cân bằng giữa công việc và cuộc sống".
Xu hướng coi sinh viên như một nhân viên ngay từ khi các em đặt chân vào trường chính là lý do khiến sinh viên gặp khó khăn. Càng ngày, người lớn càng đặt lên vai sinh viên những kỳ vọng về cuộc sống nghề nghiệp của người trưởng thành, nhưng lại thiếu đi sự tự chủ và kinh nghiệm cần thiết.
Tại Mỹ, Bộ Giáo dục khuyến nghị sinh viên chỉ nên dành thêm 2 giờ/tín chỉ/tuần cho các hoạt động ngoài lớp học. Phó giáo sư Aaron R. Hanlon tại Colby College nói rằng sinh viên ở trường ông thường học 16 tín chỉ mỗi kỳ, tức là mỗi tuần các em chỉ dành 32 giờ cho việc học. Nhưng một khảo sát cho thấy sinh viên Mỹ đang dành nhiều hơn 13-17 giờ mỗi tuần để chuẩn bị cho các lớp học.
Sinh viên Mỹ phải dành 45-49 giờ mỗi tuần cho việc học. Ảnh: Pexels. |
Ước tính khoảng 40% sinh viên cũng đang đi làm nên không có gì ngạc nhiên khi các em gặp căng thẳng. Vấn đề không chỉ liên quan thời gian học tập mà còn liên quan đến những tâm lý đang áp đặt lên sinh viên - tâm lý ưu tiên quản lý nguồn lực chuyên nghiệp thay vì ưu tiên giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, cơ quan hành chính của trường đại học giám sát đời sống sinh viên giống như bộ phận nhân sự của một công ty. Họ yêu cầu sinh viên phải có khả năng phục hồi, sự nhạy bén và phải tuân thủ các chính sách về hành vi và giải quyết tranh chấp giữa các cá nhân.
Do đó, nhiều sinh viên cảm thấy đại học không còn tự do và thú vị về mặt tri thức. Đại học trong mắt họ giờ là một hệ thống quản lý chặt chẽ và mang tính quy tắc.
Là một người dẫn dắt sinh viên, phó giáo sư Aaron R. Hanlon thường xuyên hỏi sinh viên về cách họ đối phó với lượng công việc để ông rút ra giải pháp hỗ trợ sinh viên.
Trong những lần tâm sự với phó giáo sư, sinh viên cho biết họ ngày càng áp lực khi tham gia LinkedIn và phải xây dựng hồ sơ cá nhân càng sớm càng tốt.
"Tôi ngạc nhiên khi biết rằng sinh viên của tôi đang tập trung vào việc đáp ứng kỳ vọng nghề nghiệp của người trưởng thành thay vì đáp ứng yêu cầu học tập", phó giáo sư Hanlon nói.
Phó giáo sư Aaron R. Hanlon không chắc liệu gen Z có thực sự yếu đuối như thế hệ trước hay không. Nhưng nếu sinh viên gặp khó khăn, rất có thể nguyên nhân bắt nguồn từ những "ràng buộc kép" từ phía trường đại học.
Bề ngoài, sinh viên đến trường để theo đuổi các môn học thuật - những môn cung cấp mọi kỹ năng phát triển cá nhân và nghề nghiệp. Nhưng thực tế, sinh viên lại bị hướng đến một mục tiêu khác là phải theo đuổi kỳ vọng của giới văn phòng.
"Sức khỏe tinh thần của sinh viên sẽ được cải thiện nếu chúng ta nhận ra và khắc phục điều này. Đại học là nơi cuối cùng để sinh viên học cách suy nghĩ và hòa nhập với thế giới, là nơi các em định hình bản thân mà không bị tác động bởi những nguyên tắc của nguồn nhân lực. Chúng ta cần kiên quyết bảo vệ sinh viên vì quyền tự do và độc lập về mặt trí tuệ của các em, chứ không phải mở ra những khóa đào tạo trên Zoom và loạt hội thảo về sức khỏe", phó giáo sư Aaron R. Hanlon nhấn mạnh.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.
Thái An
Theo: ZINGNEWS.VN |