18/01/2023 (19:41:19)
Đứng dưới tòa văn phòng tại góc đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, Đình Bảo liên tục gọi điện cho khách xuống nhận hàng. Đợt cận Tết, mỗi ngày, anh có khoảng 150-200 đơn cần giao đi.
Shipper tranh thủ gọi điện, nhắn tin liên tục cho khách nhận đơn. |
“Alo, chị có 5 đơn đã trả tiền, em đang đợi bên dưới rồi”, “Anh ơi, em tới giao hàng, đơn của anh hết 250.000 đồng, anh tranh thủ xuống nhận giúp em nha”, vừa gọi điện thoại, anh Đình Bảo (35 tuổi, shipper) vừa nhanh tay lọc hàng, để sẵn trên nóc thùng cho khách dễ lấy.
Mỗi ngày, từ 8h30, anh đã có mặt dưới chân tòa nhà văn phòng trên góc đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM).
Do nhu cầu giao - nhận hàng tăng cao trong những ngày giáp Tết, anh phải giữ tập trung và làm việc hết công suất.
“Hôm nay, tôi nhận khoảng 180 đơn. Đa số khách đều là nhân viên tại các văn phòng khu vực này nên tôi ‘cắm cọc’ đến giao xong kiện hàng cuối. Mấy hôm nay, tôi chỉ ăn trưa từ 14h, có khi nhịn luôn để ưu tiên trả đơn”, anh nói.
Liên tục chạy ngược xuôi là tình trạng chung của người giao hàng tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội đợt sát Tết. Các shipper đều muốn giao hết số lượng đơn tại kho, tránh cảnh hàng nghìn đơn tồn đọng sau kỳ nghỉ lễ.
Đây là năm thứ 2 anh Đình Bảo làm việc đến cận Tết. Vì vậy, anh không quá lo lắng với cường độ làm việc tăng cao. Để đẩy nhanh tiến độ, anh liên tục gọi điện, nhắn tin cho khách tiếp theo, đồng thời nhanh tay nhận, thối tiền.
Những ngày này, bên cạnh mỹ phẩm, quần áo, đơn giao chủ yếu là thực phẩm tích trữ hoặc dụng cụ trang trí nhà cửa. Bên cạnh đó, các thiết bị gia dụng như nồi cơm điện, lò chiên không dầu cũng được đặt khá nhiều.
“Ngày thường, lượng hàng của tôi chỉ khoảng 100-120. Đợt này đơn về dồn dập, tôi và đồng nghiệp phải tranh thủ lên kho sớm để chất mọi thứ vào thùng chứa. Phải xếp thật khéo, vừa đủ đi trong một, hoặc nhiều nhất là 2 chuyến, thay vì phải di chuyển tới lui”, anh nói.
Shipper tại góc đường Tôn Đức Thắng tất bật giao hàng cho khách. |
Anh Thành Danh (29 tuổi, ngụ quận 8) là một trong những shipper có lượng đơn "khủng" mỗi ngày ở khu văn phòng trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM).
7 ngày trước Tết, hôm nào anh cũng có 250 đơn cần giao đi. Nam nhân viên vận chuyển thừa nhận có chút lo lắng khi lượng hàng khá lớn, lại nhiều món ngoại cỡ. Hôm nay, mục tiêu của anh là hoàn thành mọi thứ trước 15h, với tỷ lệ hoàn về kho không quá 10% tổng số đơn.
Trong lúc chờ khách, anh nhanh tay phân loại đơn theo người nhận theo thứ tự liên lạc. Với các kiện hàng lẻ, anh Danh gom thành từng nhóm nhỏ như mỹ phẩm, trang sức, quần áo…
“Tôi đang tập trung cao độ để hoàn thành 80 đơn cho nhân viên tòa cao ốc này để kịp giờ ăn trưa. Mọi người cũng thông cảm nên thường tranh thủ chạy xuống nhận hàng. Hy vọng đơn tồn sẽ không quá nhiều, nếu không shipper sẽ rất ngán ngẩm trong ngày đầu quay lại làm việc”, anh Danh nói, tay vẫn thoăn thoắt chụp đơn hàng gửi khách xác nhận.
Theo kế hoạch, anh Thành Danh sẽ giao hàng đến hết 28 âm lịch. Sau đó, nam shipper nhanh chóng bắt xe về quê ăn Tết cùng gia đình. Đến mùng 5, anh và đồng nghiệp sẽ quay lại TP.HCM để lại chạy đua giải quyết lượng hàng tồn đọng.
Từ đầu giờ sáng, anh Nguyễn Trọng Hiệp (41 tuổi) đã có mặt ở trước toà nhà trên phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau lưng anh là thùng hàng đựng đủ các hộp carton to, nhỏ.
Chủ yếu giao hàng quanh khu vực quận Hoàn Kiếm, nơi tập trung nhiều tòa nhà văn phòng, trụ sở công ty, khách hàng của anh Hiệp phần đông là nhân viên công sở. Trừ thứ 7 và chủ nhật, ngày nào anh cũng có đơn cần giao tới địa chỉ này.
10 năm làm shipper, anh Hiệp đã có kinh nghiệm xoay xở với dịp cao điểm như Tết Nguyên đán. Có hôm "cày" với tốc lực tối đa, anh giao thành công gần 300 đơn.
Lượng đơn nhiều, anh Hiệp phải để thêm hàng ở sau lưng và phía trước xe. |
So với các dịp săn sale cuối năm như 11/11, 12/12, khối lượng đồ cần vận chuyển dịp này lớn hơn đáng kể vì ai cũng có nhu cầu sắm sửa cho năm mới.
“Sát Tết, xe cộ đông đúc, đường sá dễ tắc nghẽn. Công việc của anh em shipper do vậy cũng vất vả hơn nhiều. Dù muốn tăng tốc, tôi vẫn gặp khó khi không liên lạc được với khách hàng, hoặc họ bận, hẹn giao lại sau. Các vấn đề này ngày thường vẫn gặp, nhưng dường như mọi thứ trở nên vất vả hơn dịp giáp Tết”, anh kể.
Để tối ưu quãng đường, anh Hiệp luôn phải phân loại đơn ngay từ kho, theo địa chỉ hoặc người nhận. Nếu không, hàng giao đi dễ bị sót, lại tốn thêm thời gian di chuyển.
“Tuần cuối trước khi nghỉ Tết, tôi cố gắng làm hết năng suất. Lý do lớn nhất là để ai cũng chuẩn bị tươm tất cho kỳ nghỉ dài. Bên cạnh đó, thu nhập mùa này cũng có phần nhỉnh hơn mọi khi", anh nói trước khi tiếp tục chạy đi giao đơn.
Thời tiết xuống đến 11 độ C cản trở quá trình giao hàng dịp cận Tết của nhiều shipper tại Hà Nội. |
Trong khi đó, anh Chu Bắc (29 tuổi) phải trang bị thêm găng tay, khăn ấm quàng cổ cho những ngày chạy xe giao hàng kéo dài nhiều tiếng liền.
Thông thường, anh có thể trải bạt, xếp đồ và ngồi chờ khách xuống nhận. Tuy nhiên, thời tiết rét đậm của thủ đô dạo này ảnh hưởng nhiều đến tiến độ làm việc của nam shipper.
Đứng dưới những nơi hút gió như tòa nhà cao tầng, anh chỉ mong mọi người xuống thật nhanh. Nhờ đó, anh Bắc mới không xuống sức vì nhiễm lạnh.
Sát Tết, đơn hàng dồn dập, thời gian nghỉ ngơi của nam shipper cũng vì thế mà rút ngắn lại. Buổi trưa, anh ưu tiên các món ăn tiện lợi như bánh mì, cơm hộp hoặc uống trà nóng cho ấm người, tránh cơn buồn ngủ rồi lại “nổ máy, đi đơn” tiếp.
Bù lại, thu nhập trong khoảng thời gian này tăng lên đáng kể nhờ số đơn hoàn thành cao hơn mọi khi. Do đó, anh Bắc cho biết sẽ ráng “cày” nốt vài ngày cuối trước khi về nhà ăn Tết.
Khác với giao hàng hóa, nhiệm vụ giao đồ ăn của shipper Ngô Kim Tùng (22 tuổi) cần đảm bảo món đến tay khách phải đúng số lượng, không làm đổ, rơi rớt thức ăn ra ngoài.
Trước Tết Nguyên đán là thời điểm các công ty tổ chức liên hoan nhiều, nhu cầu giao đồ ăn với số lượng lớn tăng đột biến, đi kèm là thời gian hàng quán chuẩn bị món cũng kéo dài thêm.
Shipper giao đồ ăn gặp nhiều áp lực mùa cao điểm cuối năm. Ảnh: Phương Thảo. |
Càng sát năm mới, việc tìm shipper giao đồ ăn càng khó hơn vì nhiều người đã về quê ăn Tết hoặc tạm chuyển sang việc thời vụ khác, dẫn đến việc phải ghép đơn ship. Trong khi đó, khách hàng không biết hết được tình hình lại dễ bực mình vì phải đợi chờ lâu mới có món.
“Ví dụ, mình từng nhận đơn ship 40-50 cốc trà sữa và quán mất hơn một tiếng mới làm xong đơn. Trong trường hợp đó, mình phải gọi phía hệ thống hỗ trợ, thông báo trước thời gian chờ để khách xác định và nhờ khách hỗ trợ một phần chi phí. Nếu họ không đồng ý, mình đành chọn hủy, chuyển sang đơn khác có thời gian hoàn thành ngắn hơn”.
Tuy thu nhập cao hơn so với ngày thường, áp lực giao hàng trong giai đoạn này cũng lớn thêm. Kim Tùng dễ sốt ruột vì đường sá liên tục tắc nghẽn, trong khi khách liên tục gọi giục.
Ngoài ra, để so sánh, Tùng nhận xét công việc của mình năm nay dù vẫn gấp gáp, nhưng khối lượng không bằng thời điểm Tết năm trước. Mặt khác, chàng trai 22 tuổi chọn nghỉ sớm, ưu tiên giải quyết các phần việc ở nhà trước, còn đâu sắp xếp được thời gian mới đi ship tiếp.
Dù số tiền kiếm được giảm đi, Tùng vẫn vui vẻ vì “đã làm quanh năm, Tết nghỉ ngơi một chút cũng không sao”. Đến mùng 6 Tết, anh dự kiến mở lại ứng dụng, giao những đơn đầu tiên của năm mới.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.
Hồng Anh - Trà My
Theo: ZINGNEWS.VN |