23/03/2023 (16:28:10)
Nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến, quan điểm về các quy định mới trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) do Bộ TTTT biên soạn.
Đại diện Phòng chính sách, Cục Viễn thông chia sẻ về dự thảo. |
Sáng 23/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của doanh nghiệp trong và ngoài nước về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), dự kiến được trình lên Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ V diễn ra vào tháng 5 và 6.
Theo tờ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), cơ quan soạn thảo bộ luật, mục tiêu của việc sửa đổi Luật Viễn thông nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên viễn thông, thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế nhằm xây dựng, phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số.
Cụ thể hơn, dự thảo đưa ra những quy định mới về quản lý hạ tầng, dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT), hay dịch vụ vệ tinh chùm, như Starlink của SpaceX.
Ngoài các thủ tục hành chính mới phát sinh, dự thảo còn một số quy định có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài lĩnh vực viễn thông.
Đại diện một số doanh nghiệp, tổ chức bày tỏ lo lắng khi dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh các dịch vụ không phải viễn thông, ví dụ như nền tảng gọi điện, tin nhắn, hội họp trên Internet (OTT viễn thông), dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu.
Theo quy định của nhiều nước trên thế giới và thông lệ quốc tế, các nền tảng trên không phải dịch vụ viễn thông, do đó nên được điều chỉnh bởi pháp luật riêng. Nếu dự luật được thông qua, dịch vụ đám mây, trung tâm dữ liệu sẽ phải xin giấy phép viễn thông, chịu sự quản lý, điều chỉnh như dịch vụ viễn thông truyền thống.
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia hội thảo góp ý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). |
Ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN (USABC) cho rằng quy định hiện nay trong dự thảo có thể tạo nên rào cản với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu. Đây là các dịch vụ quan trọng với sự phát triển của kinh tế số, rất cần huy động nguồn lực như vốn và công nghệ từ mọi thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài.
Việc quản lý nền tảng đám mây, trung tâm dữ liệu theo cách thức tương tự dịch vụ viễn thông (hạn chế vốn nước ngoài, phải xin giấy phép hoặc bắt buộc ký hợp đồng với công ty viễn thông trong nước) là mối lo lắng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Ông Trần Mạnh Hùng, luật sư điều hành công ty luật Baker & McKenzie Việt Nam cho rằng dự thảo muốn quản lý nền tảng OTT như dịch vụ viễn thông là bất hợp lý, bởi bài toán đặt ra không nên là .
Cụ thể, các dịch vụ nhắn tin, gọi điện hay hội họp trên Internet (OTT) chỉ có thể cung cấp cho cơ sở người dùng đã kết nối Internet, tức là người dùng dịch vụ viễn thông.
Dịch vụ OTT được phát hành trên nền tảng mở, không thu phí, không có số thuê bao và không sử dụng tài nguyên viễn thông (tần số, kho số viễn thông). Các nước trên thế giới cũng không áp dụng tiêu chuẩn quản lý OTT giống dịch vụ viễn thông truyền thống.
Luật sư Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh quy định trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới phải có hợp đồng thương mại với một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, hoặc mở văn phòng đại diện Việt Nam là những rào cản dành cho dịch vụ OTT hoạt động trong nước.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký VCCI, Trưởng Ban pháp chế. |
Theo ông Hùng, người dùng dịch vụ OTT đã đăng ký thuê bao, có quan hệ hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nên không có cơ sở pháp lý hay thực tiễn để nhà cung cấp dịch vụ OTT ký hợp đồng thương mại với công ty viễn thông.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) cho rằng pháp luật về đầu tư doanh nghiệp hiện không có quy định về dịch vụ điện toán đám mây là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Những cam kết quốc tế của Việt Nam cũng không có hạn chế dành cho dịch vụ này.
Đại diện hiệp hội đặt câu hỏi về các quy định trong dự thảo, yêu cầu dịch vụ phải có giấy phép viễn thông, lập văn phòng đại diện hay hạn chế đầu tư nước ngoài liệu có trái với luật pháp, cam kết quốc tế của Việt Nam hay không.
Theo đại diện AmCham, doanh nghiệp và người dân đang hưởng nhiều lợi ích từ những hình thức liên lạc, trao đổi thông tin và hội họp qua các nền tảng miễn phí trên Internet.
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các nền tảng hội họp, liên lạc và nhắn tin qua Internet đóng góp đáng kể cho đầu tư và kinh doanh, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và đầu tư xuyên biên giới.
Có thể nói các dịch vụ thông tin trên Internet đã đóng góp tích cực vào duy trì, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong và sau đại dịch.
Dịch vụ OTT đang là một phần không thể tách rời trong hoạt động của doanh nghiệp. Đại diện AmCham nhận định nếu không thể tận dụng những công cụ liên lạc này, chi phí hoạt động sẽ tăng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chia sẻ về dự thảo. |
Đại diện hiệp hội chia sẻ rằng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu của nước ngoài, do nhu cầu xử lý thông tin và dữ liệu diễn ra ngoài Việt Nam. Điều này đặc biệt phổ biến với chi nhánh ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm nước ngoài hoặc hoạt động thương mại xuyên biên giới.
Các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hoặc trung tâm dữ liệu nước ngoài không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ, do không đáp ứng được yêu cầu trong dự thảo như lập văn phòng đại diện, hoặc ký hợp đồng thương mại với doanh nghiệp viễn thông trong nước. Môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam có thể kém hấp dẫn hơn với doanh nghiệp nước ngoài.
Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi Luật Viễn thông nhằm “thúc đẩy hạ tầng viễn thông phát triển phục vụ cho nền kinh tế số, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ”.
Theo ý kiến của một số chuyên gia tại hội thảo, xu hướng trong ngành viễn thông đang được nhiều quốc gia quan tâm là sự phát triển của dịch vụ viễn thông qua vệ tinh.
Vừa qua, đại diện của SpaceX cũng nằm trong đoàn doanh nghiệp của USABC đến làm việc tại Hà Nội, cũng như đặt vấn đề về việc kinh doanh dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Việt Hà, Phó chủ tịch AmCham Hanoi cho biết, dịch vụ Internet vệ tinh sẽ tạo điều kiện phát triển do những lợi thế về độ bao phủ gần như ở mọi nơi, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Khi sử dụng dịch vụ này, sẽ không phải đầu tư lắp đặt các hệ thống cáp biển hay đường truyền vốn cần đầu tư lớn và tính ổn định không cao.
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp lắng nghe chia sẻ của ông Nguyễn Phương Tuấn. |
Dịch vụ này đang được nhiều quốc gia tạo điều kiện do lợi thế về phạm vi bao phủ hầu hết vị trí, kể cả vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Doanh nghiệp và tổ chức không phải đầu tư lắp đặt hệ thống cáp biển hay đường truyền mạng, vốn cần đầu tư lớn nhưng tính ổn định không cao.
Sự phát triển của dịch vụ Internet vệ tinh xuyên biên giới có thể trở thành lựa chọn bổ sung hiệu quả, giúp giảm phụ thuộc vào cáp quang, đa dạng hóa lựa chọn kết nối Internet quốc tế cho những nhóm người dùng khác nhau. Tại châu Á, dịch vụ Internet vệ tinh đã được triển khai tại một số quốc gia như Nhật Bản, Phillipines hay Indonesia.
Đại diện một số hiệp hội và doanh nghiệp kiến nghị Luật Viễn thông (sửa đổi) cần dự đoán trước xu thế, có những quy định khuyến khích hoặc cho phép dịch vụ Internet vệ tinh xuyên biên giới được cấp phép tại Việt Nam, nếu doanh nghiệp cung cấp có văn phòng đại diện hoặc ký hợp đồng thương mại với doanh nghiệp viễn thông trong nước.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.
Phúc Thịnh
Theo: ZINGNEWS.VN |