Sản lượng sản xuất xe hơi trong nước đã ghi nhận đà giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm. Không chỉ vậy, doanh số bán xe cũng đang có chiều hướng đi xuống.
|
Địa phương đang mong chờ các chính sách nhằm kích cầu tiêu thụ và hoạt động sản xuất xe hơi. Ảnh: Việt Linh. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sản lượng sản xuất ôtô các loại trong 4 tháng đầu năm là 11.469 xe, giảm 43% so với cùng kỳ. Đồng thời, hoạt động sản xuất ôtô cũng giảm tới 40,18%.
Một báo cáo khác của Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc còn cho biết Công ty Toyota Việt Nam, doanh nghiệp FDI lớn của địa phương, có sản lượng quý I giảm tới 37%, tương đương 2.802 xe, so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số ôtô tiếp đà giảm sút trong các tháng đầu năm. Điều này gây lo ngại cho nhiều doanh nghiệp sản xuất. Một số địa phương có thể bị hụt thu ngân sách, lao động mất việc làm.
Sản lượng giảm mạnh
Theo VAMA, doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 4 chỉ đạt 22.409 xe, gồm xe 15.748 du lịch; 6.487 xe thương mại và 174 xe chuyên dụng. Các phân khúc đều có sự giảm mạnh so với tháng 3 như xe du lịch giảm 27%; xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 51%.
Nếu chỉ tính riêng các thành viên VAMA thì doanh số bán hàng còn giảm mạnh hơn. Cụ thể, chỉ có 20.667 xe các loại được bán ra trong tháng 4/2023, giảm 46% so với tháng 4/2022 và giảm 21% so với tháng 3/2023.
Trong số này, phân khúc xe du lịch chứng kiến việc giảm mạnh nhất trong các phân khúc khi giảm tới 54% so với tháng 4/2022 và giảm 25% so với tháng 3/2023.
Nguyên nhân của đà giảm này được lãnh đạo địa phương cho rằng xuất phát từ việc chính sách giảm thuế trước bạ không được gia hạn. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp ôtô trong nước cũng đang phải cạnh tranh rất gay gắt để giành thị phần.
Với các thành viên ngoài VAMA, tình hình cũng không có gì khá hơn. Hyundai đang giảm mạnh về doanh số tính từ cuối năm 2022 đến tháng 4/2023. Tổng số xe Hyundai bán ra tháng vừa qua đạt 4.592 chiếc, trong khi tháng 3 bán được 5.773 chiếc.
|
Theo Bộ Công Thương, sản lượng xe hơi lắp ráp trong tháng 4 chỉ đạt khoảng 29.500 xe, lũy kế 4 tháng đạt 109.500 chiếc, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Việt Linh. |
Với riêng xe du lịch, trong tháng 4 có có 3.355 xe được bán ra; tháng 3 bán được 4.757 chiếc; tháng 2 là 4.753 chiếc. Trước đó, tháng 11-12/202, doanh số vào khoảng 7.000-9.000 chiếc.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản lượng xe hơi lắp ráp trong tháng 4 chỉ đạt khoảng 29.500 xe, lũy kế 4 tháng đạt 109.500 chiếc, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Không chỉ các hãng sản xuất, các hãng phân phối ôtô cũng ghi nhận quý I kinh doanh ảm đạm. Đơn cử như Savico - đơn vị phân phối nhiều thương hiệu như Toyota, Ford, Honda, Hyundai, Mitsubishi, Volvo... đã ghi nhận quý kinh doanh ảm đạm. Lãi sau thuế của quý I chỉ còn 14,7 tỷ đồng, giảm gần 85% so với cùng kỳ 2022 và giảm hơn 11 lần so với quý trước. Lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp vượt 2.000 tỷ đồng.
Haxaco đang phân phối thương hiệu Mercedes-Benz cũng giảm hơn 40% doanh thu so với cùng kỳ, chưa đạt 1.000 tỷ đồng. Mức lãi trước thuế chỉ còn 5,6 tỷ đồng trong quý I - giảm khoảng 92%.
Đề xuất giảm thuế, phí để kích cầu
Trong báo cáo của mình, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá bên cạnh nguyên nhân khách quan là kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, Vĩnh Phúc cho rằng hiện tại mức phí trước bạ và các loại phí vẫn còn cao. Việc Chính phủ kết thúc hỗ trợ phí trước bạ đã hết cũng đẩy chi phí sở hữu xe lên cao, dẫn đến thị trường ôtô khá ảm đạm trong 3 tháng đầu năm 2023.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn Chính phủ sẽ xem xét việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu thụ và hoạt động sản xuất xe.
Trước đó, trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy cả phía cầu và cung.
Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục chuẩn bị phương án hỗ trợ bổ sung về miễn giảm thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu, tính toán phương án giảm thuế trước bạ đối với ôtô; đề xuất xử lý bất cập, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán...
Trong văn bản góp ý của mình, Bộ Công Thương ủng hộ việc giảm thuế trước bạ với ôtô sản xuất trong nước. Theo cơ quan này, tính riêng 3 tháng đầu năm, doanh số bán hàng toàn thị trường đã giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ Công Thương vào đầu năm 2023, khi doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi thì nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng hiện hữu, gây ra nhiều tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nói riêng, nền kinh tế nói chung. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng cũng làm ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, với xu hướng thắt chặt chi tiêu.
"Để tạo động lực phát triển kinh tế trong nước, thì việc Bộ Tài chính có các chính sách hỗ trợ khác liên quan đến thuế, phí là cần thiết", Bộ Công Thương cho hay.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng bày tỏ lo ngại về thực trạng tiêu thụ xe giảm kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí bị sụt đơn hàng khiến nhiều lao động công việc bị ngưng trệ, an sinh xã hội gặp rất nhiều khó khăn.
Một số chuyên gia lưu ý rằng, việc quá nặng về tư duy giảm thuế, lệ phí gây ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương cũng như việc kéo thị trường ô tô nội địa ấm trở lại có thể làm tăng tỷ lệ tai nạn, ùn tắc giao thông xem ra không thích hợp với bối cảnh hiện nay, thậm chí có thể làm chậm lại cơ hội thúc đẩy thị trường, thúc đẩy sản xuất cả yếu tố cầu lẫn cung.
“Khi Chính phủ thực hiện 2 đợt kích cầu thông qua giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vừa qua cũng cho thấy, tuy số phí trước bạ có giảm nhưng doanh số bán xe tăng mạnh, khiến thu ngân sách từ ôtô vẫn tăng cao, đồng thời giữ được sản xuất trong nước và doanh nghiệp không phải sa thải người lao động”, VAMI nhận định.
Bộ Tài chính cũng từng nhận định rằng việc giảm phí trước bạ cho ôtô sản xuất trong nước lần 2 cũng đã hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất, lắp ráp ôtô.
Điều này cũng thúc đẩy các nhà sản xuất ôtô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.