01/04/2023 (09:02:53)
Quân đội Trung Quốc cho biết học thuyết quân sự của nước này dựa vào sự ủng hộ của người dân, không vì mục đích xâm lược hay bá quyền.
Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc đầu năm 2023. Ảnh: Xinhua. |
Trong bài viết hôm 30/3, PLA Daily - cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc - cho biết chiến lược quân sự nước này tập trung vào phòng thủ, bảo đảm mọi cuộc xung đột đều hợp pháp và nhận được sự ủng hộ của người dân trong nước, theo South China Morning Post.
Bài viết trên PLA Daily cũng bàn về khái niệm "chiến tranh nhân dân". Học thuyết chiến tranh nhân dân lần đầu được đưa ra bởi cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, ban đầu lấy gốc rễ là người dân, dân quân và chiến tranh du kích.
Tuy nhiên kể từ thập niên 1980, quân đội Trung Quốc đã dần rời xa chiến tranh du kích, chuyển sang học thuyết phòng thủ chủ động.
"Chiến thuật và chiến lược của chiến tranh nhân dân là hướng tới một cuộc chiến vì độc lập, tự do và thịnh vượng", PLA Daily cho biết.
Tờ báo tuyên bố về tổng thể, chiến tranh nhân dân phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản là phỏng thủ, không nhằm mục tiêu xâm lược hay bá quyền, qua đó nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
"Chiến tranh nhân dân là chiến tranh tổng lực, đòi hỏi sự huy động tổng thể các nguồn lực chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quân sự và các nguồn lực khác, sử dụng tổng hợp nhiều hình thức và phương pháp đấu tranh khác nhau", bài viết có đoạn.
"Các đối thủ mạnh có thể bị đánh bại nhờ kết hợp tổng hòa các năng lực này để bù đắp cho những thiếu hụt, bất lợi trong những khía cạnh khác", tờ báo nói thêm.
PLA Daily cảnh báo cần tránh rơi vào nhưng cuộc chiến tiêu hao, ăn miếng trả miếng với đối thủ có năng lực tương đương. Bài viết của PLA Daily cho rằng sự linh hoạt và tác chiến bất đối xứng là "công thức chiến thắng" khi phải đương đầu với đối thủ có trang bị vượt trội.
Trước đó, trong kỳ Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu phát triển học thuyết chiến tranh nhân dân và xây dựng "hệ thống răn đe chiến lược mạnh mẽ".
Duy Anh
Theo: ZINGNEWS.VN |