17/01/2023 (16:42:13)
Một quan chức hàng không Nepal cho biết phi công đã cố đổi đường băng hạ cánh trước khi thảm họa hàng không tồi tệ nhất của nước này trong khoảng ba thập kỷ xảy ra.
Thi thể nạn nhân tại địa điểm xảy ra vụ rơi máy bay ở Nepal. Ảnh: Reuters. |
Phi công của chiếc máy bay thuộc hãng Yeti Airlines bị rơi hôm 15/1 đã muốn hạ cánh trên một đường băng khác với đường băng được chỉ định ban đầu, South China Morning Post dẫn lời quan chức hàng không Nepal vào ngày 16/1.
Tuy nhiên, Jagannath Niraula, phát ngôn viên của Cơ quan Hàng không dân dụng Nepal (CAAN) cho biết trước đó, phi công không nhận được cuộc gọi khẩn cấp nào.
“Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về các cuộc gọi khẩn cấp trước khi vụ tai nạn xảy ra. Mọi thứ dường như bình thường cho đến khi máy bay được phép hạ cánh xuống sân bay quốc tế Pokhara mới xây dựng”, Niraula nói.
Theo trang web tin tức myRepublica, vụ tại nạn đã khiến cô con gái 22 tuổi của cơ phó Anju Khatiwada mồ côi. Người chồng đầu tiên của Khatiwada - cũng là một phi công - đã chết trong vụ tai nạn máy bay tương tự vào năm 2006, Yeti Airlines cho biết.
Các nhà điều tra vẫn đang phân tích hộp đen được tìm thấy hôm 16/1.
Cho đến nay, 69 thi thể trong số 72 người trên chuyến bay đã được trục vớt. Theo các quan chức địa phương, hy vọng tìm được người còn sống là bằng không.
“Các đội của chúng tôi vẫn đang tìm kiếm 3 người còn lại trên máy bay”, một quan chức cấp cao ở Kaski cho biết. “Việc này mất nhiều thời gian hơn dự kiến vì mảnh vỡ của chiếc máy bay nằm rải rác trong hẻm núi”.
Trong khi đó, trên mạng xã hội đã lan truyền đoạn video được cho là do một trong những hành khách Ấn Độ phát trực tiếp.
“Mauj Kar Di (Vui thật đấy)”, một trong số họ hét lên đầy hào hứng khi đoạn video dài khoảng 1 phút 30 giây cho thấy Pokhara bên dưới, Times of India.
Tuy nhiên, sau 58 giây, đoạn video cho thấy chiếc máy bay rẽ ngoặt sang trái rồi lao xuống và biến thành ngọn lửa.
Những ngọn lửa cao chót vót được thoáng thấy xung quanh camera trong 30 giây tiếp theo.
Theo nhóm kiểm tra thực tế của dpa, đường bay nhìn từ cửa sổ máy bay trong đoạn video khớp với thông tin do nhà chức trách cung cấp.
Vụ tai nạn ngày 15/1 là thảm họa hàng không chết chóc nhất tại Nepal kể từ năm 1992, khi một chiếc Airbus A300 gặp nạn khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay thủ đô Kathmandu, khiến cả 167 người trên máy bay thiệt mạng.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.
Minh An
Theo: ZINGNEWS.VN |