26/03/2023 (06:36:02)
Tổng thống Vladimir Putin hôm 25/3 tuyên bố Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus theo yêu cầu của nước này.
Ông Putin bắt tay với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 17/2. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Nga nhấn mạnh động thái này “không có gì bất thường. "Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập kỷ. Họ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các quốc gia đồng minh, các quốc gia NATO và ở châu Âu từ lâu”, TASS dẫn lời ông Putin.
Ngoài ra, ông khẳng định động thái này không vi phạm các thỏa thuận liên quan đến không phổ biến vũ khí hạt nhân và phù hợp với các thỏa thuận tương tự mà Mỹ có với một số đồng minh châu Âu.
Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí ước tính có khoảng 100 vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ ở châu Âu trên sáu căn cứ ở 5 quốc gia, mặc dù chúng được đặt dưới sự kiểm soát của Washington.
“Chúng tôi đã thống nhất sẽ làm điều tương tự. Tôi nhấn mạnh rằng điều này không vi phạm nghĩa vụ vụ quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân”, Tổng thống Nga nói thêm.
Vào ngày 1/7, nước này sẽ hoàn thành việc xây dựng kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của Belarus, ông Putin cho hay.
Guardian nhận định đây là lần đầu tiên ông tuyên bố kế hoạch đặt vũ khí hạt nhân ở một quốc gia khác kể từ sau khi xung đột Ukraine nổ ra. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định tiếp tục theo dõi tình hình sau thông báo trên của ông Putin.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Moscow có 5.977 đầu đạn hạt nhân trong kho. Con số đó của Mỹ ở mức 5.428.
Bên cạnh đó, ông Putin cho biết Nga đã bàn giao cho Belarus hệ thống tên lửa Iskander có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
"Chúng tôi đã bàn giao cho Belarus hệ thống Iskander nổi tiếng và rất hiệu quả của mình, vốn có thể mang (vũ khí hạt nhân)”, ông nói, đồng thời khẳng định sẽ giúp nước láng giềng huấn luyện lực lượng để vận hành.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.
Vân Đinh
Theo: ZINGNEWS.VN |