23/12/2022 (20:30:07)
Sau khi Taliban ra lệnh cấm sinh viên nữ tiếp cận tất cả trường đại học, phụ nữ Afghanistan lo sợ họ sẽ đối mặt với những hạn chế hà khắc hơn nữa, trong đó có giáo dục trẻ em gái.
Dưới chính quyền Taliban, phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan bị tước đi cả những quyền tự do cơ bản nhất. Ảnh: AP. |
Hôm 20/12, Taliban ra sắc lệnh ngăn phụ nữ Afghanistan tiếp cận giáo dục đại học. Lá thư được người phát ngôn cơ quan Giáo dục Đại học Afghanistan xác nhận, yêu cầu đại học công lập và tư thục đình chỉ tiếp nhận sinh viên nữ, Reuters đưa tin.
Tuy nhiên, sau đó một ngày, một số giáo viên nữ và nữ sinh tại các trường tiểu học ở thủ đô Kabul cho biết họ cũng không được đến lớp, theo Washington Post.
Quyết định cấm phụ nữ học đại học được đưa ra sau cuộc họp của lãnh đạo Taliban. Đây cũng là động thái mới nhất đẩy lùi quyền phụ nữ và bỏ qua yêu cầu tôn trọng quyền con người từ cộng đồng quốc tế.
“Những gì tôi thấy trước mắt là tương lai đen tối đang tới gần”, một sinh viên giấu tên khoa lịch sử từ Đại học Giáo dục ở Kabul chia sẻ.
Sinh viên lịch sử 20 tuổi cho biết cô hy vọng Taliban sẽ xem xét lại lệnh cấm trước khi hầu hết sinh viên đại học công lập trở lại sau kỳ nghỉ đông vào năm tới. Tuy nhiên, cô cũng lo lắng động thái này là dấu hiệu cho thấy Taliban sẽ đối xử với phụ nữ giống như khi kiểm soát Afghanistan vào những năm 1990.
“Hành động của Taliban đã chứng minh phụ nữ không là gì với họ”, cô nói.
Với lệnh cấm học đại học, gần như tất cả nữ giới Afghanistan trên 12 tuổi hiện không được đào tạo chính quy. Hàng nghìn phụ nữ trên cả nước dự kiến bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm giáo dục đại học, đặc biệt là ở các khu vực thành thị, nơi đặt hầu hết trường đại học Afghanistan.
Tại một trường đại học, các giáo sư cho phép phụ nữ tham gia kỳ thi cuối kỳ đã bị lực lượng an ninh Taliban vây bắt và đưa đến đồn cảnh sát địa phương, theo một nhân chứng.
Những hạn chế tiếp cận giáo dục dự kiến có tác động mạnh mẽ đến khả năng tham gia lực lượng lao động và nhiều khía cạnh khác trong xã hội của phụ nữ Afghanistan.
Thông báo hôm 20/12 như đòn giáng với những phụ nữ Afghanistan lớn lên trong xã hội tương đối bình đẳng, nhưng rồi chứng kiến những quyền này sụp đổ trước mắt, theo New York Times.
“Trường đại học là cửa sổ hy vọng duy nhất với tôi, nhưng hôm nay chúng tôi như mắc kẹt trong hố đen vậy”, Sakina Sama - 22 tuổi, sinh viên năm hai Đại học Báo chí ở tỉnh Balkh, miền Bắc Afghanistan - cho biết.
Trước đây, Sama từng làm việc trong studio. Cô mất việc kể từ khi Taliban nắm quyền và hạn chế phụ nữ làm trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Cô cho biết tiếp tục đi học là niềm vui duy nhất.
“Tôi không còn hy vọng hay động lực nào nữa”, Sama nói. “Nếu làm con gái là có tội, và tôi là con gái, thì đó không phải là lỗi của tôi”.
Sinh viên nữ rời khuôn viên Đại học Kabul vào ngày thi đầu tiên hồi tháng 8. Ảnh: New York Times. |
Một cô gái khác lấy tên Farhanaz (19 tuổi) cho biết kể từ khi Taliban lên nắm quyền, cô gần như mất động lực học tập khi chứng kiến chính quyền mới ban hành hàng loạt sắc lệnh hạn chế quyền tự do của phụ nữ.
Nữ sinh bị cấm đến trường trung học, trong khi phụ nữ không được tới nơi công cộng. Cảnh sát đạo đức xuất hiện khắp đường phố, trừng phạt phụ nữ không che kín từ đầu đến chân.
Farhanaz cho biết cô và nhóm bạn đã nuôi hy vọng chính quyền mới cuối cùng sẽ thực hiện các cam kết ôn hòa và cho phép phụ nữ nắm giữ vị trí trong xã hội, khi Taliban cần sự công nhận từ cộng đồng quốc tế.
Đối với Farhanaz và em gái 18 tuổi - người vừa được nhận vào chương trình tâm lý học của một trường đại học - tin tức này quá khủng khiếp. Cô cho biết em gái đã nhốt mình trong phòng và khóc nức nở khi biết tin.
“Hiện tại, tôi thậm chí không còn động lực sống”, Farhanaz nói.
Bất chấp áp lực quốc tế, những cam kết ban đầu của Taliban về bảo vệ quyền giáo dục và việc làm cho phụ nữ nhường chỗ cho các sắc lệnh ngày càng bảo thủ.
Thủ lĩnh tối cao Taliban Sheikh Haibatullah Akhundzada đã bổ nhiệm những người thân tín vào chính quyền mới, trong đó có cơ quan Giáo dục và Giáo dục đại học, và nghe tư vấn từ các giáo sĩ cực đoan.
Trong những tháng gần đây, những người thân tín của ông đã thúc đẩy nhiều chính sách như bổ nhiệm hàng nghìn học giả tôn giáo vào các văn phòng nhà nước, bãi bỏ yêu cầu học thuật tiêu chuẩn với cựu thành viên Taliban trong các trường đại học và khôi phục luật Shariah hà khắc.
Phụ nữ Afghanistan biểu tình hôm 22/12 sau lệnh cấm nữ giới tới trường đại học của Taliban. Ảnh: Reuters. |
Đối với nhiều người Afghanistan, việc quay trở lại đường lối cứng rắn khiến họ cảm thấy ớn lạnh.
Trong tháng này, Mohammad Shaker Hashimi - tài xế xe tải ở Charikar, thành phố phía bắc Kabul - thức giấc khi nghe thấy âm thanh từ loa thông báo triệu tập cư dân đến sân vận động lúc 9h để dự “buổi trừng phạt”.
Anh đi bộ đến sân vận động và hòa vào đám đông khoảng 400 người. Sau khi hướng dẫn đám đông không chụp ảnh hoặc quay video, các quan chức địa phương đưa 18 người đàn ông bị trói tay sau lưng cùng 9 phụ nữ vào sân.
Hashimi cho biết hai thẩm phán đã có bài phát biểu về luật Shariah và giải thích “tội ác” của các tù nhân. Những người phụ nữ bị buộc tội trốn khỏi nhà và băng hoại đạo đức, trong khi người đàn ông bị kết tội trộm cắp, ngoại tình và bán ma túy, cùng nhiều tội danh khác. Sau đó, các quan chức bắt đầu vụt họ, mỗi người 20-39 roi.
“Khi họ dùng dây cáp đánh phụ nữ, một trong số họ đã ngã xuống đất, tôi không thể nhìn thêm và bỏ đi”, anh nói.
Anh nói thêm trong những tuần gần đây, hy vọng cuộc chiến dài đằng đẵng kết thúc đã bị dập tắt một cách cay đắng, khiến anh bất lực.
“Trong quá khứ từng xảy ra các vụ nổ và tấn công tự sát. Chúng tôi nghĩ chiến tranh và bạo lực đã kết thúc”, anh nói. Nhưng bây giờ, “việc tra tấn người dân tiếp diễn ở nơi công cộng”, Hashimi nói thêm.
Afghanistan ngày nay
Mục Thế giới giới thiệu sách về Afghanistan với tựa đề "Afghanistan ngày nay" do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 2018. Hiện nay, khi nhắc đến Afghanistan, nhiều người thường nghĩ đến vùng đất của chiến tranh, nghèo đói, ma túy và bất ổn. Vậy điều gì khiến Afghanistan mất đi vẻ đẹp và sự bình yên của đất nước một thời? Cuốn sách sẽ góp phần lý giải câu hỏi này.
Phương Linh
Theo: ZINGNEWS.VN |