Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Nơi đồng USD vẫn là vua

30/05/2023 (08:18:43)

Vị thế thống trị của USD trên toàn cầu đang suy yếu. Nhưng châu Âu và một số khu vực khác vẫn đang theo dõi sát sao biến động của đồng bạc xanh và các động thái của Fed.

USD vẫn đóng vai trò thống trị trong nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.

Theo Wall Street Journal, không chỉ người Mỹ mới lo lắng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, hay Mỹ rơi vào suy thoái. Đó cũng là mối lo của người châu Âu và nhiều quốc gia khác.

Đồng bạc xanh đang giữ vị thế thống trị, và các mối quan hệ tài chính, thương mại giữa Mỹ và những đối tác quan trọng vẫn khăng khít hơn bao giờ hết.

Riêng với châu Âu, mối quan hệ này thậm chí còn đang chặt chẽ hơn.

Vị thế của USD

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã cố đi trên con đường khác với Fed. Họ báo hiệu rằng sẽ giữ lãi suất điều hành ở mức thấp khi ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất dồn dập.

Nhưng sau khi euro giảm mạnh so với USD, các quan chức ECB đã nhanh chóng thay đổi hướng đi. Mối lo của họ là lạm phát nhập khẩu từ các hàng hóa được mua bán bằng đồng USD, chẳng hạn năng lượng.

Giờ đây, họ đang gặp một vấn đề hoàn toàn ngược lại. Các quan chức Fed đã phát đi tín hiệu về việc dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 5. Điều đó sẽ khiến những ngân hàng trung ương khác khó có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành, dù lạm phát vẫn cao.

"USD đóng vai trò thống trị trong nền kinh tế toàn cầu", ông Maurice Obstfeld - người từng giữ vị trí chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - nhận định.

Nguy cơ USD mất vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu đang gia tăng, sau khi các nước như Saudi Arabia, Trung Quốc và Nga bắt đầu chuyển sang những tiền tệ khác.

Nguyên nhân là Mỹ đã vũ khí hóa tiền tệ, chẳng hạn đóng băng tài sản của Nga sau khi Moscow phát động cuộc chiến ở Ukraine.

Trong quý II năm ngoái, USD chỉ chiếm dưới 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu chính thức, giảm từ 72% cách đây hai thập kỷ.

Mỹ chỉ chiếm khoảng 25% sản lượng kinh tế và hơn 10% thương mại toàn cầu. Nhưng gần 50% thương mại toàn cầu sử dụng đồng bạc xanh, và đồng tiền này chiếm tới 90% giao dịch ngoại hối trên khắp thế giới trong năm ngoái.

Khoảng 50% chứng khoán nợ và khoản vay xuyên biên giới được phát hành bằng đồng USD.

Do đó, khi lãi suất điều hành của Mỹ tăng cao, các nền kinh tế khác sẽ bị ảnh hưởng theo nhiều cách.

Khi Mỹ tăng lãi suất

Khi lãi suất tại Mỹ tăng cao, tiền sẽ rời khỏi những nền kinh tế khác, đẩy chi phí vay lên cao và khiến đồng tiền của các nước này mất giá so với USD.

Thêm vào đó, lãi suất tăng cao sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Mỹ, từ đó kéo tụt nhu cầu đối với các sản phẩm nước ngoài.

Theo nghiên cứu mới đây của ECB, các đợt tăng lãi suất của Fed sẽ ảnh hưởng tới châu Âu tương đương, thậm chí nhiều hơn so với chiều ngược lại.

Nghiên cứu chỉ ra việc Fed thắt chặt chính sách từ năm 1991 đến năm 2019 đã kéo tụt sản lượng công nghiệp, giá cổ phiếu, khoản vay doanh nghiệp và lạm phát của khu vực đồng euro. Thương mại thế giới cũng bị đè nặng.

Ở chiều ngược lại, các động thái chính sách của ECB không tác động đáng kể tới nền kinh tế Mỹ.

Các quan chức ECB buộc phải theo dõi sát sao động thái chính sách của Fed và tỷ giá hối đoái giữa USD và euro. "Khi Fed dẫn đầu, những ngân hàng khác sẽ theo sau mà không hề do dự", ông Panicos Demetriades, cựu quan chức ECB, tiết lộ.

Trên thực tế, trong cuộc họp báo vào đầu tháng 5, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã khẳng định họ "không phụ thuộc vào Fed". Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đưa ra những động thái giống với Fed, bởi lạm phát đang leo thang trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo WSJ, ECB tiếp tục thắt chặt hay không sẽ phụ thuộc vào việc Fed có sẵn sàng đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Cuộc chiến ở Ukraine đã làm suy giảm sức mua của các hộ gia đình châu Âu. Giờ đây, xuất khẩu - nhất là sang Mỹ - trở thành một nguồn lực quan trọng.

Trong tháng 3, thương mại giữa Mỹ và châu Âu đã đạt 86 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với một năm trước đó. Trong khi đó, thương mại hàng hóa Mỹ - Trung giảm 1/4 cùng kỳ xuống 45 tỷ USD.

Nếu Mỹ rơi vào suy thoái trong những tháng tới, nhập khẩu của nước này sẽ giảm, từ đó giáng đòn vào xuất khẩu của châu Âu.

Tuy nhiên, USD suy yếu có thể giúp hạ nhiệt giá năng lượng và lạm phát nhập khẩu tại châu Âu. Nhìn chung, việc kinh tế Mỹ "hạ cánh khó khăn" sẽ khiến cuộc sống của nhiều người châu Âu tệ đi, nhưng có khả năng làm bài toán của ECB trở nên dễ dàng hơn.

"Châu Âu đang ở tình trạng bấp bênh. Điều đó sẽ khiến ECB phải thận trọng", chuyên gia Obstfeld nhận định.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Thảo My

Theo: ZINGNEWS.VN


Thời sự (Tin trước)


Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Thời sự (Tin mới)
Thời sự (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05