28/11/2022 (12:43:04)
Những video đối xử tốt với người lạ thực tế chỉ nhằm khai thác định kiến độc hại và hòng kiếm lợi cá nhân cho các TikToker.
Kênh TikTok Nờ Ô NÔ đang bị cộng đồng mạng chỉ trích vì thái độ ứng xử với những người già, neo đơn trong series "Một ngày tử tế". Người này sử dụng những ngôn từ thiếu tôn trọng, gây phản cảm và ngụy biện đó là trò đùa, bên cạnh việc mua đồ ăn cho những người lớn tuổi trong clip.
Trên thực tế, đây không phải là trường hợp hiếm hoi trên TikTok lợi dụng hình ảnh của những người khó khăn, với hành động giúp đỡ họ nhưng ẩn chứa phía sau lại là thái độ xúc phạm, khinh bỉ họ. Nhiều người cho biết họ từng là nạn nhân của những video “giả nhân giả nghĩa” tương tự và tỏ ra bức xúc khi mình bị lộ thông tin cá nhân trên mạng vì những TikToker này.
Hồi tháng 7, Harrison Pawluk (22 tuổi) đã bắt gặp một người phụ nữ trung niên ngồi một mình giữa quầy ăn uống của trung tâm thương mại. TikToker này tiến lại gần, không nói gì mà chỉ đặt hoa lên tay bà ấy rồi xách túi rời đi. Người phụ nữ đã rất bất ngờ và chực khóc vì xúc động.
Hóa ra hành động của anh đều được quay phim lại và đăng lên TikTok với tiêu đề “Mong rằng bà ấy sẽ cảm thấy tốt hơn”. Chạy theo trào lưu "random acts of kindness" (tạm dịch: việc tốt ngẫu nhiên), video này nhanh chóng lên xu hướng và nhận được 57 triệu lượt xem chỉ trong một tuần. Bên dưới phần bình luận, nhiều người bày tỏ rất cảm động vì hành động của Pawluk, nói rằng “tôi không kiềm được nước mắt khi bà ấy khóc”, “cảnh tượng này thật đẹp”...
Maree chỉ trích nam TikToker tặng hoa cho bà chỉ để quay clip đăng lên mạng, kiếm tiền. |
Tuy nhiên, là người phụ nữ trong video, Maree (sống tại Australia) lại không nghĩ thế. Bà cảm thấy khó chịu khuôn mặt mình xuất hiện khắp mạng xã hội vì video của Harrison Pawluk. Bà gọi hành vi của TikToker là “mất nhân tính” và chỉ để “câu view”.
“Cậu ta đã phá hủy khoảng thời gian yên tĩnh của tôi, quay phim và đăng tải đoạn video mà không được tôi cho phép. Cậu ta còn biến tướng nội dung và tôi nghĩ là kiếm tiền từ nó”, bà nói với ABC.
Bà cho biết ngay sau đó đã nhìn thấy một nhóm người ở gần, dường như đang hướng điện thoại tới mình. Khi Maree hỏi có phải họ đang quay phim mình không, họ trả lời là không. Maree sau đó nói nhóm bạn trẻ có thể cầm hoa về, vì bà nghĩ bó hoa sẽ đem lại phiền toái khi bà đi tàu điện về nhà.
Đến tối hôm đó, khi thấy mặt mình trên video TikTok, Maree cũng không nghĩ nhiều, vì bà cho rằng chẳng có ai xem mấy clip kiểu vậy. Thực tế là bà đã trở thành nhân vật trong một clip lan truyền rất nhanh mà bản thân không hề muốn.
Không lâu sau, bà nhận được một bài báo với tiêu đề "người phụ nữ già với câu chuyện rất xúc động", cùng khoảnh khắc mà bà trông như sắp khóc.
"Ban đầu tôi nghĩ nó chỉ như trò đùa, nhưng khi đọc bài báo thì tôi thấy mình bị mất quyền làm người", Maree mạnh mẽ chỉ trích những hành động lợi dụng hình ảnh của bà.
Bà nhấn mạnh việc nội dung video không phản ánh đúng những gì diễn ra. Pawluk chỉ nhờ bà giữ giùm bó hoa rồi bỏ đi chứ không hề tặng bà như tiêu đề video hay các bài viết sau đó.
"Cậu ta không nói là tặng tôi. Nếu nói từ đầu, tôi đã cảm ơn rồi, nhưng tôi không có cơ hội làm điều đó", Maree nói thẳng.
Nhưng Maree dường như không thể phản kháng lại vì không có luật pháp cụ thể nào cấm các TikToker tự ý ghi hình người lạ trừ nội dung mang ý báng bổ hoặc phục vụ cho mục đích quảng cáo. “Rất khó để kiện người khác vì xâm hại quyền riêng tư trong những trường hợp thế này”, Barbara McDonald, Giáo sư tại University of Sydney Law School, cho biết.
Sau sự cố với bà Maree, Pawluk đã gửi lời xin lỗi nhưng đồng thời khẳng định rằng anh vẫn sẽ tiếp tục làm hành động “ý nghĩa này”. “Chỉ cần 1% số người xem được truyền cảm hứng từ video của tôi và tiếp tục làm điều tốt cho người khác thì tôi đã thực hiện việc có ý nghĩa cho thế giới”.
The Conversation cho rằng đây chỉ là lời biện hộ của Harrison Pawluk khi toàn bộ nội dung đăng tải trên TikTok của anh đều nhằm mục đích kiếm tiền. Thoạt nhìn, trào lưu “việc tốt ngẫu nhiên” trông rất vô hại và chỉ có ý tốt nhưng có không ít những video tương tự Pawluck, bán lòng thương hại của người xem để trục lợi cá nhân trên TikTok.
Nhóm người yếu thế, vô gia cư thường được TikToker nhắm đến để "giúp đỡ", dù đôi khi họ không cần điều đó. Ảnh: Splash. |
Theo The Conversation, luật bảo vệ quyền riêng tư chỉ được áp dụng ở những trường hợp “có yêu cầu thích đáng về bảo mật”. Điều này có nghĩa là Maree có quyền kiện cáo nếu có người hack điện thoại, đánh cắp những bức ảnh riêng tư của bà nhưng sẽ không thể kiện nếu bị chụp ảnh trên phương tiện công cộng hay bất cứ địa điểm công khai nào khác.
Bên cạnh đó, luật pháp châu Âu và Anh vẫn còn mập mờ về quyền riêng tư của người bình thường khi họ bị quay, chụp ảnh lén, đồng thời cũng không có những quy định cụ thể để họ tránh bị phát tán hình ảnh trên các mạng xã hội.
Theo cây bút Sarah Harte của Irish Examiner, nếu Maree là người nổi tiếng, bà hoàn toàn có thể kiện TikToker Harrison Pawluk vì xâm phạm quyền riêng tư. Nhưng vì là người thường nên Maree và các trường hợp khác giống bà đều không thể phản kháng khi bị quay phim, chụp ảnh cho những nội dung kiếm tiền từ lòng thương hại này.
Những người lớn tuổi, vô gia cư, người da màu hoặc phụ nữ thường sẽ là những đối tượng bị các TikToker này hướng vào. Họ được xem là nhóm người “thiếu nhân cách và danh tính xã hội”. Do đó, các TikToker thường bám vào điều này để làm “random act of kindness” (việc tốt ngẫu nhiên), thuyết phục người xem bằng hình tượng người nhân đạo. Nhưng trên thực tế, những hành động này đang đội lốt tư tưởng phân biệt giới tính và tuổi tác.
Virginia Trioli, phóng viên của ABC phỏng vấn bà Maree, nhận định những người lớn tuổi như bà chính là đối tượng hay bị các TikTok nhắm đến.
"Dưới góc nhìn của TikToker, họ có vẻ như không mấy hạnh phúc, là người vô gia cư, không đủ tiền để mua món đồ gì đó mà họ đang nhắm tới, và tôi cũng không hiểu sao những TikToker lại nghĩ ra những câu chuyện đó", Trioli chia sẻ.
Đầu năm nay, BBC cũng vạch trần đường dây tổ chức cho người nhập cư "ăn xin" trên TikTok, trong đó những người đứng giữa sẽ thu lợi nhuận hàng nghìn USD cho mỗi video. Ảnh: BBC. |
Theo The Conversation, những người phụ nữ đứng tuổi khi trở thành nạn nhân của trào lưu TikTok “random act of kindness” sẽ cảm thấy mình bị tước đoạt mọi danh tính, bị mọi người nhìn nhận là “một bà cô già cần sự thương hại”.
Trong trường hợp của TikToker Nờ Ô NÔ và Harrison Pawluk, họ đóng khung những người phụ nữ trong clip là những người đáng thương, cô độc và cần sự giúp đỡ. Đây chính là lối suy nghĩ phân biệt tuổi tác, giới tính rất độc hại.
Theo nghiên cứu của Hội đồng Nhân quyền Australia (Australian Human Rights Commission), 90% dân số cho rằng định kiến phân biệt tuổi tác là có thật. Ủy viên Kay Patterson hội đồng gọi lối tư duy này là “định kiến phân biệt ít được quan tâm và được xã hội mặc nhiên chấp nhận hơn cả phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc”.
Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ
Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.
Thúy Liên
Theo: ZINGNEWS.VN |