09/04/2023 (20:47:48)
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM nhận định nhiều tuyến đường xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa và bảo trì do thiếu kinh phí.
Người dân di chuyển khó khăn trên đường Lương Định Của (TP Thủ Đức). Ảnh: Chí Hùng. |
Sáng 9/4, trong chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời, lãnh đạo UBND TP.HCM và Sở GTVT, Sở Xây dựng đã thông tin và trả lời nhiều câu hỏi của cử tri về tình hình hạ tầng giao thông, hướng giải quyết những bất cập.
Tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên Viện Xây dựng (Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM), đặt vấn đề đường sá cần được bảo trì theo đúng quy định và định mức để đảm bảo an toàn. Song hiện nay, TP.HCM có nhiều tuyến đường hư hỏng, ngập úng nhưng chưa được duy tu, sửa chữa. Ông Tuấn đặt câu hỏi liệu công tác kiểm tra, bảo trì hạ tầng giao thông ở TP.HCM đang diễn ra thế nào.
Trả lời vấn đề này, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết công tác quản lý hạ tầng giao thông ở thành phố được phân cấp cho các đơn vị: Sở GTVT; các quận, huyện và TP Thủ Đức; ban quản lý các khu đô thị; chủ đầu tư dự án (chủ yếu là các dự án BOT).
Trong đó, Sở GTVT TP.HCM quản lý trên 1.500 km đường, chủ yếu là các tuyến đường có mật độ giao thông lớn, liên thông giữa các quận huyện; đồng thời quản lý toàn bộ cầu, tín hiệu giao thông, hầm...
Kinh phí UBND TP.HCM cấp cho việc duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông của Sở GTVT là 1.600 tỷ đồng/năm. Còn các quận, huyện và TP Thủ Đức được cấp 800 tỷ đồng/năm.
Thực tế, nhiều khu vực được thực hiện duy tu nhưng chưa đảm bảo chất lượng hoặc chưa kịp thời. Đặc biệt, có những chủ đầu tư giải thể, không bàn giao mặt bằng cho chính quyền, gây nên bức xúc cho người dân.
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM nhìn nhận nguyên nhân của những vướng mắc phần lớn đến từ thiếu kinh phí. Con số 1.600 tỷ đồng/năm chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, do đó một số tuyến đường cần được sửa chữa nhưng lại gặp khó khăn.
Trong khi đó, trước vấn đề các hố ga thoát nước ở TP.HCM bốc mùi, ông Đặng Phú Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, lý giải hệ thống thoát nước chung ở thành phố có nước mưa và nước thải. Thành phố đang áp dụng giải pháp ngăn mùi bằng nước.
Vào mùa khô, lượng nước bốc hơi nhanh gây mất tác dụng ngăn mùi. Trước tình trạng này, các đơn vị đã tiến hành lắp đặt miệng thu kiểu mới có tác dụng ngăn mùi tốt hơn. Trong thời gian qua, các công trình xây dựng mới đã được lắp miệng thu mới. Với những công trình cũ, cơ quan chuyên môn đang dần thay thế bằng mẫu mới.
Kinh phí duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông của Sở GTVT TP.HCM chỉ đáp ứng được 50% so với nhu cầu thực tế. Ảnh: Chí Hùng. |
Tại chương trình, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết đã ghi nhận khó khăn của người dân cũng như địa phương.
Theo ông Cường, hạ tầng giao thông và kỹ thuật ở TP.HCM có sự phát triển vượt bậc. Hiện, địa phương có hơn 4.300 tuyến đường có phân cấp, 57 triệu m2 mặt đường, 23 triệu m2 vỉa hè đang khai thác.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục phân cấp và xác định rõ vai trò của các sở, ban, ngành và địa phương trong quản lý hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông.
Lãnh đạo TP.HCM nhìn nhận các nhóm đối tượng quản lý đã được phân cấp rất rõ như hệ thống đường, vỉa hè, thoát nước, thủy lợi... Thời gian tới, những công trình giao thông quan trọng của TP.HCM, cũng cần được phân cấp quản lý rõ ràng như hầm vượt sông Sài Gòn, tuyến metro số 1 gắn với hệ thống ga ngầm xung quanh...
Trước những vướng mắc, ông Cường hứa hẹn sẽ giao sở, ban, ngành và UBND các quận huyện, TP Thủ Đức phân loại, đánh giá. Đồng thời, các sở ngành tiếp tục hoàn thiện và gắn trách nhiệm với các nhóm, chủ thể quản lý, đối tượng quản lý để khai thác đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trong thời gian tới.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Vân Trang
Theo: ZINGNEWS.VN |