11/10/2022 (15:35:42)
Nhiều sinh viên, nhân viên phải xin nghỉ làm, nghỉ học một ngày khi không thể đổ xăng do đa số cây xăng gần nơi ở đều trong tình trạng khan hàng, đóng cửa.
Tình trạng hết xăng, giới hạn lượng mua diễn ra ở hàng loạt các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.HCM gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Sáng 10/10, Bảo Khánh (22 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM) đã tìm đến gần 10 cây xăng trên địa bàn quận để tìm chỗ đổ xăng cho kịp giờ đến trường. Tuy nhiên đến hơn 10h sáng, cô sinh viên này vẫn không thể đổ được xăng do đa số cây xăng tư nhân tại Gò Vấp đều trong tình trạng hết hàng, tạm dừng hoạt động.
Khi di chuyển đến cây xăng trên đường Nguyễn Văn Quá, Bảo Khánh vẫn phải chờ đợi hơn 30 phút để được đổ xăng. Theo Khánh, số lượng khách hàng xếp hàng tại các điểm bán xăng rất đông, tuy nhiên mỗi người chỉ được mua nhiều nhất là 30.000 đồng/lượt.
"Mình chờ hơn 30 phút ở cây xăng gần chợ rau trên đường Nguyễn Văn Quá vì quá đông người, kẹt cứng một đoạn đường. Mình học ở tận làng Đại học (TP Thủ Đức) mà tìm chỗ đổ xăng với đứng đợi thôi đã trễ luôn giờ học. Hôm nay mình đành nghỉ học rồi nhắn tin giảng viên trình bày lý do", Bảo Khánh chia sẻ.
Bảo Khánh chờ hơn 30 phút mới có thể đổ xăng nhưng vẫn trễ giờ đến trường. Ảnh: NVCC. |
Anh Gia Huy (25 tuổi, Bình Thạnh) cũng gặp phải tình cảnh tương tự khi chờ suốt gần 40 phút vẫn không đổ được xăng.
Chia sẻ với Zing, anh Huy cho biết cây xăng ở đường Trần Quang Định vào sáng sớm đã trong tình trạng kẹt xe kéo dài, anh cố gắng đứng xếp hàng hơn 40 phút. Thế nhưng để kịp giờ hẹn với khách hàng, anh Huy phải về lại nhà và chuyển sang dùng xe ôm công nghệ.
"Mình có hẹn với khách hàng ở công trình tận Bình Chánh lúc 10h sáng, thế mà đợi gần cả tiếng vẫn không đổ được xăng. Các ngã tư có cây xăng đều đông kẹt cứng, không di chuyển được. Mình sợ trễ hẹn nên đành vòng về nhà rồi gọi xe ôm công nghệ, vừa mất thời gian vừa tốn thêm tiền", anh Huy cho biết thêm.
Tình trạng các cây xăng tư nhân hết hàng, giới hạn lượng mua xảy ra tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM như Nhà Bè, Gò Vấp, Bình Thạnh, Hóc Môn. Để có thể đổ xăng đủ cho đoạn đường di chuyển, chủ xe đã phải tìm đến nhiều điểm bán xăng trong nửa ngày mới có thể đổ đầy bình.
"Hôm nay mình đã nhắn tin đến giảng viên sinh nghỉ luôn ca học buổi sáng, nhà mình ở tận quận 12, trường đại học thì nằm ở quận 1. Xe mình chỉ còn ít xăng, lỡ đi giữa đường mà hết thì cũng không đổ được, chẳng may dắt bộ thì không biết phải làm sao nên mình nghỉ ca sáng để đổ xăng, chiều đi học sau cho chắc", Khả Di (21 tuổi, TP.HCM) chia sẻ với Zing.
Ông Nguyễn Văn Huy (49 tuổi, TP.HCM) cho biết để giảm bớt khó khăn trong việc tìm kiếm nơi đổ xăng, tối 9/10, ông và gia đình đã cố gắng mua một lượng nhỏ xăng để dự trữ. Gia đình ông cũng đã đổ đầy xăng cho 3 chiếc xe máy và hạn chế di chuyển xa.
"Tôi và 2 đứa con trai xếp hàng mua xăng từ tối 9/10. Giờ có việc cần di chuyển gần thì dùng xe máy, xa hơn thì đặt xe ôm công nghệ. Chỉ sợ mình không mua được xăng thì tài xế cũng vậy, không nhận chở thì mất thời gian rồi lỡ việc của cả nhà", ông Huy chia sẻ.
Không thể đổ xăng cho xe cá nhân, nhiều người dân tại TP.HCM đã tìm đến các ứng dụng gọi xe để giải quyết nhu cầu đi lại. Tuy nhiên thời gian chờ cuốc xe và giá cước của hàng loạt ứng dụng đều đang tăng cao tại TP.HCM do khan hiếm xăng.
"Sáng 10/10, sau khoảng 30 phút chờ đợi, tôi bắt được một xe công nghệ với giá hơn gần 300.000 đồng để đi vào quận Bình Thạnh, đắt gần gấp 3 so với bình thường. Vì vậy, hôm nay tôi quyết định làm việc ở nhà", anh Nam chia sẻ.
Tình trạng một cây xăng tại Nhà Bè đông kín khách hàng vào sáng 10/10. Ảnh: Phúc Hậu. |
Cùng ngày 10/10, Sở Công thương cũng đã có văn bản gửi đến Sở Giao thông Vận tải và Công an TP.HCM để xem xét các phương án phân luồng, góp phần tạo điều kiện để xe chở xăng có thể lưu thông vào giờ cao điểm (9-16h và 18-22h) từ ngày 11/10 đến ngày 1/11.
Tối ngày 9/10, Petrolimex - đơn vị sở hữu 70 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP.HCM - cũng đã huy động khoảng 80 xe bồn cung ứng xăng cho các cửa hàng bán lẻ với tổng sản lượng lên đến 1.600 m3.
Để giải quyết tạm thời tình trạng khan hiếm xăng như hiện nay, Bộ Tài Chính đã kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung trong nước trong mọi tình huống.
Đồng thời, nghiên cứu phương án giảm trích lập và kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nếu cần thiết để việc điều chỉnh premium (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức tính giá cơ sở) và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng không tác động đến giá cơ sở xăng dầu.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị có liên quan xem xét hỗ trợ khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Đan Thanh
Theo: ZINGNEWS.VN |