04/04/2023 (11:30:03)
Ngân hàng Nhà nước liên tục ế vốn trên thị trường mở, lãi suất qua đêm giảm sâu... là hai trong những chỉ báo cho thấy hệ thống ngân hàng đang trở về giai đoạn thừa tiền.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã ở trạng thái dôi dư lớn từ tháng 2 đến nay. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hai đợt giảm lãi suất điều hành liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang có những tác động rất mạnh tới thị trường tiền tệ, đặc biệt là trên thị trường 2 - thị trường liên ngân hàng.
Cụ thể, sau 2 đợt giảm lãi suất từ nhà điều hành, lãi suất cho vay chéo giữa các nhà băng đã giảm liên tục từ mức trên 6%/năm vào trung tuần tháng 3 xuống trên dưới 1%/năm hiện tại ở kỳ hạn qua đêm. Đánh dấu vùng lãi suất cho vay qua đêm thấp nhất kể từ giữa tháng 7/2022 đến nay.
Việc giảm xuống mức trên dưới 1%/năm cũng khiến lãi suất cho vay qua đêm về vùng tương đương với thời kỳ “tiền rẻ” được NHNN duy trì suốt thời gian dài từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022 - giai đoạn nền kinh tế chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19.
Không chỉ giảm lãi suất ở các khoản cho vay chéo nhau với kỳ hạn siêu ngắn, các mức lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần trên kênh liên ngân hàng cũng đã giảm liên tục từ mức 6-7%/năm hồi tháng 3 xuống vùng 1-3%/năm hiện tại.
Lãi suất liên ngân hàng luôn là một chỉ báo quan trọng thể hiện tình trạng thanh khoản ngắn hạn trong hệ thống ngân hàng. Việc liên tục giảm sâu và về vùng 1%/năm cho thấy thanh khoản các ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa lớn, tương tự giai đoạn năm 2020 đến giữa năm 2022.
Bên cạnh đó, việc NHNN liên tục ế vốn trên thị trường mở cũng cho thấy tình trạng dư thừa thanh khoản của hệ thống nhà băng.
Cụ thể, sau khi dừng hoạt động phát hành tín phiếu hút tiền từ trung tuần tháng 3, nhà điều hành chính sách tiền tệ vẫn duy trì công cụ mua giấy tờ có giá kỳ hạn để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng trong nửa sau của tháng. Dòng tiền này cũng được NHNN nâng kỳ hạn từ 7 ngày lên 28 ngày để hỗ trợ thanh khoản dài hạn hơn cho các nhà băng.
NHNN Ế VỐN TRÊN THỊ TRƯỜNG MỞ KHI LÃI SUẤT QUA ĐÊM GIẢM SÂU | ||||||||||||||||||||||||
Nguồn: NHNN; Tổng hợp. | ||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 1/3 | 2 | 3 | 6/3 | 7 | 8 | 9 | 10 | 13/3 | 14 | 15 | 16 | 17 | 20/3 | 21 | 22 | 23 | 24 | 27/3 | 28 | 29 | 30 | 31 | |
Mua vào (Bơm tiền) | tỷ đồng | 3999.99 | 4499.99 | 5999.99 | 1746.24 | 7405.5 | 1322.09 | 7770.54 | 3999.99 | 1364.54 | 754.13 | 562.48 | 424 | 0 | 215.5 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
Bán ra (Hút tiền) | -8100 | -14000 | -21500 | -23300 | -22100 | -29100 | -11000 | -14999.8 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | |
Lãi suất cho vay qua đêm | %/năm | 5.97 | 6.38 | 6.4 | 6.22 | 6.07 | 5.98 | 6.22 | 6.22 | 6.17 | 5.72 | 5.06 | 4.14 | 3.4 | 2.7 | 2.05 | 1.55 | 1.34 | 1.14 | 1.06 | 0.98 | 0.96 | 0.9 | 1.12 |
Tuy nhiên, sau vài phiên giao dịch ghi nhận khối lượng thấp (khoảng vài trăm tỷ đồng/phiên), dòng vốn này của NHNN đã rơi vào trạng thái ế ẩm khi 2 tuần gần nhất không phát sinh giao dịch mới. Trong phiên gần nhất (3/4), dù đã nâng kỳ hạn bơm tiền lên 35 ngày nhưng vẫn không có ngân hàng nào tiếp nhận dòng tiền này từ NHNN.
Không chỉ những chỉ báo cho thấy các ngân hàng đang thừa tiền, chia sẻ tại buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng quý I mới đây, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cũng cho biết thanh khoản hệ thống ngân hàng đang có dư thừa lớn.
“Thanh khoản ngân hàng đang dư thừa lớn. Điều này thể hiện qua 2 chỉ tiêu. Một là, số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại NHNN vượt xa mức dự trữ bắt buộc và diễn biến này đã kéo dài từ tháng 2 đến nay. Hai là, lãi suất liên ngân hàng giảm rất mạnh, hiện lãi suất qua đêm chỉ còn khoảng 0,7-1,2%/năm”, ông Quang cho biết.
Chia sẻ lý do dẫn tới tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hiện nay, ông Quang cho rằng một trong những nguyên nhân đến từ việc tăng trưởng tín dụng không đạt kỳ vọng trong quý I.
Theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế quý I chỉ đạt 2,06% so với cuối năm 2022, mức tăng thấp nhất 3 năm. Với mức tăng trưởng kể trên, toàn hệ thống ngân hàng đã cho vay ròng ra nền kinh tế khoảng 245.600 tỷ đồng trong quý đầu năm.
“Không thể nói ngân hàng không muốn tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên nhu cầu tín dụng đang rất khó khăn khiến ngân hàng khó đẩy vốn ra”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.
NHNN đã điều tiết mua 4 tỷ USD trong quý I, đồng nghĩa bơm tiền Đồng ra để giúp hệ thống hiện nay dồi dào thanh khoản
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Còn theo Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú mức tăng trưởng tín dụng 2,06% của quý I đã không đạt kỳ vọng và đến từ nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan.
Cụ thể, trong quý I, các biến động của thị trường trong nước và thế giới đã tác động không nhỏ tới doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn tới nhu cầu vốn tín dụng của một số doanh nghiệp, lĩnh vực chững lại. Bên cạnh đó, tín dụng tăng thấp quý vừa qua cũng do đây là giai đoạn đầu năm, nên một số dự án, hoạt động đầu tư bị gián đoạn bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
“Thông thường tăng trưởng tín dụng đầu năm đều thấp hơn so với các quý khác, nhưng mức tăng trưởng không đạt kỳ vọng trong quý I cũng là yếu tố để đánh giá những khó khăn của các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế hiện nay”, ông Tú cho biết.
Bên cạnh việc tín dụng tăng thấp, thanh khoản hệ thống dư thừa lớn cũng có nguyên nhân từ hoạt động mua ngoại tệ của NHNN trong quý đầu năm nay.
Theo số liệu mới được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đưa ra "NHNN đã điều tiết mua 4 tỷ USD trong quý I, đồng nghĩa bơm tiền Đồng ra để giúp hệ thống hiện nay dồi dào thanh khoản".
Tạm tính theo giá mua USD của Sở giao dịch NHNN ở mức 23.450 đồng/USD, việc nhà điều hành mua vào 4 tỷ USD tương đương với việc bơm gần 94.000 tỷ đồng ra thị trường trong quý I.
Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cũng cho biết hiện tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đã tăng cao trở lại sau Tết Nguyên đán.
Trong giai đoạn 2020 đến giữa năm 2022 - khi lãi suất liên ngân hàng về gần 0%/năm - thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng liên tục được bổ sung tiền Đồng thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ từ nhà điều hành.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Quang Thắng
Theo: ZINGNEWS.VN |