Theo EVN, mực nước về các hồ thời gian qua đã tăng nhanh, nhưng miền Bắc không có công suất điện dự phòng nên thời gian tới vẫn có thể xảy ra tình huống phải cắt giảm điện.
Ngày 30/6, số liệu cập nhật của Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ tiếp tục tăng nhẹ. Hiện, mực nước ở đa số hồ chứa thủy điện miền Bắc cao hơn mực nước chết 9-27 m.
Cụ thể, hồ thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bản Chát hiện cao hơn mực nước chết 9-27 m. Do mực nước của hồ thủy điện Thác Bà mới chỉ cao hơn khoảng 1,6 m so với mực nước chết nên nhà máy thủy điện Thác Bà vẫn phải phát điện hạn chế, cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp.
Phụ tải tăng cao trở lại
Theo cơ quan chức năng, các hồ thủy điện lớn khu vực Bắc Bộ đang nâng cao mực nước, tuy nhiên vẫn phải hạn chế huy động phát điện để dự phòng cho đợt nắng nóng tiếp theo.
Lượng nước về một số hồ khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ thấp, chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện.
Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lúc 9-12h ngày 20/6 cho thấy lưu lượng nước về các hồ thủy điện lớn ở phía Bắc giảm so với các ngày trước. Cao nhất là hồ Sơn La 525 m3/s. Các hồ Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang lưu lượng về trên 150 m3/s.
|
Thông tin vận hành các hồ chứa thủy điện ở miền Bắc thời điểm 9-12h ngày 30/6. Ảnh: EVN. |
Thời điểm này, nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu có cho máy phát điện. Còn các thủy điện Sơn La, Bản Chát, Huội Quảng không vận hành phát điện.
Trong ngày 29/6, phụ tải và công suất đỉnh hệ thống tiếp tục tăng cao do nắng nóng. Theo số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), ngày 29/6 công suất đỉnh hệ thống đạt mức 40.400 MW.
Phụ tải toàn hệ thống điện ngày 29/6 đạt 833,6 triệu kWh. Trong đó miền Bắc nhu cầu điện tiếp tục tăng, ước khoảng 406,6 triệu kWh, miền Trung khoảng 78,5 triệu kWh, miền Nam khoảng 348 triệu kWh.
Tổng sản lượng huy động từ thủy điện tăng mạnh, đạt khoảng 230 triệu kWh (miền Bắc là 101,7 triệu kWh); nhiệt điện than huy động 412,2 triệu kWh (miền Bắc 260,5 triệu kWh); tuabin khí huy động 90,4 triệu kWh; điện năng lượng tái tạo đạt 62,9 triệu kWh.
Có thể đảm bảo cung cấp điện với phụ tải trung bình 421-425 triệu kWh/ngày
Theo EVN, nhiệt độ những ngày cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 sẽ không cực đoan như những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Do đó, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt có thể không tăng cao như thời gian qua, với phụ tải trung bình ngày miền Bắc khoảng 421,7 triệu kWh.
Lưu lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc 6 ngày qua (Số liệu: Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp; Đơn vị: m3/s) |
Hồ thủy điện | Ngày 25/6 | Ngày 26/6 | Ngày 27/6 | Ngày 28/6 | Ngày 29/6 | Ngày 30/6 |
Lai Châu | 782 | 452 | 195 | 697 | 499 | 552 |
Sơn La | 2.220 | 1.111 | 561 | 1.030 | 834 | 833 |
Hòa Bình | 769 | 611 | 773 | 188 | 616 | 181 |
Thác Bà | 341 | 85 | 114 | 125 | 120 | 80 |
Tuyên Quang | 901 | 588 | 396 | 420 | 540 | 733 |
Bản Chát | 805 | 316 | 210 | 219 | 297 | 207 |
"Hiện, miền Bắc đang trong thời kỳ lũ sớm, dự kiến trong thời gian tới lưu lượng nước về các hồ miền Bắc tiếp tục tăng và có thể đảm bảo cung cấp điện với phụ tải tính toán trung bình khoảng 421-425 triệu kWh/ngày", EVN cho biết.
EVN lưu ý dù mực nước về các hồ thời gian qua đã tăng nhanh, nhưng miền Bắc không có công suất điện dự phòng, nên thời gian tới vẫn có thể xảy ra tình huống cực đoan dẫn đến phải điều chỉnh phụ tải, tiết giảm điện.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 30/6 và 1/7, ở khu vực Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi hơn 37 độ C. Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, có nơi hơn 38 độ C.
Dự báo, nắng nóng ở trung du, đồng bằng Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới; ở khu vực vùng núi Bắc Bộ nắng nóng dịu dần.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.