10/05/2023 (09:07:44)
Các công ty điện gió đang chịu áp lực lớn về chi phí lãi vay do sử dụng đòn bẩy tài chính cao, qua đó đang lâm vào thế kinh doanh lỗ nặng nề.
Năng lượng tái tạo từng là lĩnh vực tiềm năng thu hút nhiều nhà đầu tư rót tiền lớn, tuy nhiên, nhiều thay đổi về môi trường kinh doanh và chính sách đang đẩy nhiều dự án lâm vào thế khó, chứng kiến những khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Gần nhất là các nhà đầu tư điện tái tạo chuyển tiếp (chưa kịp vận hành thương mại nhận giá FIT) đang hụt hẫng vì khung giá phát điện Bộ Công Thương đưa ra quá thấp, thì các dự án điện gió đã vận hành từ sớm còn gặp thách thức hơn.
Số liệu trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy nhiều dự án điện gió lỗ nặng trong năm 2022, đây là các đơn vị có phát hành trái phiếu để tài trợ cho hoạt động đầu tư dự án.
Đáng chú ý nhất là Công ty Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 (thuộc tập đoàn Trung Nam) - đang vận hành dự án điện gió Ea Nam 400 MW - mới báo lỗ khủng 859 tỷ đồng.
Hai dự án la Pết Đăk Đoa 1 và 2, công suất 99 MW mỗi dự án, đều báo lỗ trên 200 tỷ đồng. Dự án Yang Trung và Phước Hữu - Duyên Hải 1 (đều thuộc tập đoàn T&T) lỗ lần lượt 91 tỷ đồng và 60 tỷ đồng. Điện gió Bắc Phương lỗ thêm 7 tỷ đồng năm ngoái, sau khi đã lỗ 25 tỷ năm 2021.
KẾT QUẢ KINH DOANH MỘT SỐ CÔNG TY ĐIỆN GIÓ | ||||||||
Nhãn | Trung Nam Đăk Lăk 1 | Ia Pết Đăk Đoa 1 | Ia Pết Đăk Đoa 2 | Yang Trung | Phước Hữu-Duyên Hải 1 | Chơ Long | Hòa Đông 2 | |
Năm 2022 | Tỷ đồng | -859 | -210 | -201 | -91 | -60 | -36 | 3 |
Năm 2021 | 1 | 7 | 4 | 1 | 5 | 15 | 5 |
Theo báo cáo của EVN, có 84 dự án điện gió với tổng công suất gần 4 GW đã kịp vận hành thương mại trước tháng 11/2021, hạn cuối để ghi nhận giá bán điện ưu đãi. Nhưng kết quả kinh doanh của một số đại diện trong năm 2022 vẫn tỏ ra bết bát như trên.
Có thể thấy, các doanh nghiệp điện gió đang đối mặt với áp lực chi phí khá lớn khi cấu trúc nguồn vốn phần lớn đến từ nợ vay, nhất là việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
Việc vay nợ với tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn sẽ kéo theo chi phí lãi vay của các dự án điện tái tạo lên cao, từ đó gây ra áp lực không nhỏ về dòng tiền trả nợ mỗi năm cũng như sẽ ăn mòn hết lợi nhuận.
Đơn cử, dự án Ea Nam của Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 ghi nhận nợ phải trả hơn 12.100 tỷ đồng cuối năm ngoái, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu. Phần lớn trong đó là nợ trái phiếu còn khoảng 9.800 tỷ đồng.
Theo báo cáo tình hình thanh toán năm 2022, Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 đã phải trả lãi đến 935 tỷ đồng cho các lô trái phiếu hiện hữu và trả nợ gốc 205 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp này lỗ đậm năm ngoái.
Các dự án khác như Ia Pết Đăk Đoa 1 và 2, Yang Trung, Chơ Long, Hòa Đông 2… cũng ghi nhận hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu khoảng 4-6 lần.
Công ty Yang Trung năm ngoái phải thanh toán hơn 110 tỷ đồng tiền lãi vay trái phiếu, Điện gió Bắc Phương cũng phải trả 38 tỷ đồng. Bộ đôi dự án Ia Pết Đăk Đoa trả lãi vay trái phiếu khoảng 84 tỷ đồng...
Mặt bằng lãi suất tăng cao trong năm vừa qua đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế khó, nhất là các đơn vị có đòn bẩy tài chính cao như ngành điện tái tạo và bất động sản.
Trong khi giá mua điện ưu đãi đã được đặt cố định trong vòng 20 năm dẫn đến nhiều dự án điện gió bị vỡ kế hoạch tài chính cũng như kế hoạch dòng tiền thu về. Tình hình thậm chí còn áp lực hơn với các dự án không được mua giá điện ưu đãi, chưa thể vận hành do vướng mắc cơ chế.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...
Huy Lê
Theo: ZINGNEWS.VN |