06/03/2023 (06:59:17)
Sau gần 20 năm đàm phán, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc tối muộn hôm 4/3 đồng ý thành lập khung pháp lý bảo vệ vùng biển quốc tế.
Liên Hợp Quốc hôm 4/3 đã đạt được thỏa thuận lịch sử bảo vệ vùng biển quốc tế. Ảnh: Alamy. |
Các đại biểu tiếp tục họp trong nửa ngày tiếp theo để chính thức thông qua thỏa thuận. Họ đã không rời phòng họp tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York trong suốt 2 ngày và làm việc suốt đêm để hoàn thành thỏa thuận, Guardian đưa tin.
Hiệp ước lịch sử này rất quan trọng để thực thi cam kết 30x30 của các quốc gia tại hội nghị đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc vào tháng 12/2022, nhằm bảo vệ 1/3 biển (và đất liền) vào năm 2030.
Nếu không có hiệp ước bảo vệ biển mới, mục tiêu này rất có khả năng thất bại, vì cho đến nay vẫn chưa có quy định pháp lý nào về cơ chế thiết lập các khu bảo tồn biển.
Bao phủ gần 2/3 đại dương nằm bên ngoài biên giới các quốc gia, hiệp ước sẽ cung cấp khung pháp lý để thiết lập các khu bảo tồn biển (KBTB) rộng lớn nhằm chống lại sự mất mát của động vật hoang dã và chia sẻ nguồn gene của biển cả.
Hiệp ước mới sẽ thành lập một hội nghị định kỳ và cho phép quốc gia thành viên giải trình về các vấn đề như quản trị và đa dạng sinh học.
Các hệ sinh thái đại dương tạo ra một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, chiếm 95% sinh quyển của hành tinh và hấp thụ carbon dioxide. Tuy nhiên, cho đến nay, các quy tắc quản lý biển quốc tế vẫn rời rạc và được thi hành lỏng lẻo.
Veronica Frank, cố vấn chính trị của Greenpeace, nói rằng tổ chức chưa đọc hiệp ước mới nhất, nhưng “chúng tôi thực sự rất vui. Thế giới đang bị chia rẽ và việc ủng hộ chủ nghĩa đa phương là rất quan trọng".
“Điều thực sự quan trọng bây giờ là sử dụng công cụ này để đạt mục tiêu 30x30 nhanh chóng”, bà Frank nói.
Tổ chức từ thiện Pew hoan nghênh “thỏa thuận quốc tế mang tính bước ngoặt”.
Liz Karan, Giám đốc dự án quản trị đại dương của Pew, nói: “Các khu bảo tồn biển quốc tế có thể đóng một vai trò quan trọng trong biến đổi khí hậu. Các chính phủ và xã hội cần phải đảm bảo thỏa thuận được thông qua, nhanh chóng có hiệu lực và được thực hiện hiệu quả để bảo vệ đa dạng sinh học biển”.
Virginijus Sinkevičius - Ủy viên châu Âu về môi trường, đại dương và ngư nghiệp - mô tả thỏa thuận này là một “thời khắc lịch sử đối với đại dương” và là đỉnh cao của hơn một thập kỷ làm việc và đàm phán quốc tế.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.
Hồng Ngọc
Theo: ZINGNEWS.VN |