13/03/2023 (20:14:25)
Làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng sau sự sụp đổ của SVB làm dấy lên lo ngại về những tác động dây chuyền. Các cổ phiếu lao dốc bất chấp nỗ lực trấn an của giới chức Mỹ.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán tháo nặng nề sau vụ sụp đổ của SVB. Ảnh: Reuters. |
Trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa đầu tuần hôm 13/3, nhóm cổ phiếu ngân hàng của Mỹ đã chịu sức ép lớn do những lo ngại về sức khỏe của hệ thống ngân hàng nước này.
Giá cổ phiếu của Wells Fargo lao dốc 2,1%. Cổ phiếu của Citigroup và JPMorgan sụt giảm lần lượt 1,9% và 1%.
Các ngân hàng khu vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn. SPDR S&P Regional Banking ETF sụt giảm 2,4%. First Republic dẫn đầu đà giảm với 50%, còn PacWest Bancorp và Western Alliance lao dốc lần lượt 29% và 17%.
Ngành công nghiệp này bị giáng đòn mạnh sau vụ phá sản lớn thứ 2 trong lịch sử ngân hàng Mỹ. Silicon Valley Bank (SVB) - xương sống của ngành đầu tư mạo hiểm của Mỹ - vừa sụp đổ. Đây là nhà băng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giới đầu tư lo ngại rằng vết thương kinh tế có thể lan rộng hơn nữa.
Với tổng tài sản 209 tỷ USD, SVB là ngân hàng được bảo hiểm liên bang lớn thứ 2 phải đóng cửa tại Mỹ. Đáng nói, thay vì đợi thị trường chứng khoán đóng cửa như thường lệ nhằm giảm thiểu thiệt hại, FDIC hành động ngay trong phiên giao dịch hôm 10/3.
Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đã bắt đầu quá trình đấu giá SVB vào ngày 12/3. Nguồn tin của Bloomberg cho biết FDIC đang hướng tới một thỏa thuận nhanh chóng.
Cơ quan này đang chạy đua để bán tài sản của SVB và trả phần tiền gửi không được bảo hiểm cho các khách hàng. Đáng nói, phần lớn tiền gửi tại nhà băng này không được bảo hiểm. Tính đến ngày 31/12/2022, tỷ lệ này lên tới 93%.
Làn sóng bán tháo diễn ra bất chấp các nỗ lực trấn an của phía giới chức Mỹ.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ đang gấp rút chuẩn bị các biện pháp khẩn cấp nhằm củng cố hệ thống ngân hàng và đảm bảo khả năng đáp ứng yêu cầu rút tiền của khách hàng.
Fed cũng phát đi tuyên bố chung của Bộ Tài chính, Fed và FDIC liên quan tới việc SVB phá sản.
Tuyên bố cho hay các cơ quan liên quan đang thực hiện những hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo rằng hệ thống tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của mình trong việc bảo vệ tiền gửi và cung cấp khả năng tiếp cận tín dụng cho hộ gia đình và doanh nghiệp.
Tuyên bố nhấn mạnh từ ngày 13/3, người gửi tiền tại SVB “sẽ có quyền tiếp cận số tiền của họ".
Ngay từ trước bê bối của SVB, cổ phiếu của ngành ngân hàng Mỹ đã bị bán tháo sau cảnh báo của KeyCorp. Theo đó, các nhà băng Mỹ đang đứng trước áp lực trả lãi cho người gửi tiết kiệm.
Khi lãi suất tăng cao, người gửi tiền có thể chuyển sang những ngân hàng trả lãi cao. Các nhà băng do đó sẽ phải đẩy lãi suất lên cao, chấp nhận cắt giảm lợi nhuận nhằm giữ chân khách hàng, tránh biến động vốn tiền gửi.
Ngoài ra, lãi suất gia tăng giúp doanh thu của các ngân hàng đi lên, nhưng giá trị tài sản mà họ nắm giữ lại giảm đi.
Theo hồ sơ gửi FDIC, tính đến cuối năm ngoái, các ngân hàng Mỹ ghi nhận khoản lỗ trái phiếu chưa thực hiện tổng cộng 620 tỷ USD. Cơ quan này lưu ý rằng những khoản lỗ trên giấy tờ này "đã làm giảm đáng kể vốn chủ sở hữu của ngành".
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...
Thảo My
Theo: ZINGNEWS.VN |