Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Làm thêm nhiều việc cùng lúc để có tiền đi xem concert của thần tượng

20/05/2023 (16:32:04)

Đối với nhiều sinh viên, các buổi concert hoặc những món đồ yêu thích là động lực để các bạn tìm việc, làm thêm sau giờ học ở trường.

Sinh viên làm thêm để đi gặp thần tượng. Ảnh: Cosmo.

Ngày 16/5, Phương Chi (sinh viên năm 2 tại Hà Nội) vừa trở về sau chuyến đi Singapore để xem concert của nhóm nhạc BlackPink - thần tượng của cô suốt nhiều năm qua.

Đối với nữ sinh, chuyến đi này ý nghĩa hơn những chuyến đi trước vì toàn bộ chi phí (vé máy bay, vé concert, tiền khách sạn…) đều là tiền cô tích góp, dành dụm sau vài tháng làm thêm tại Hà Nội.

“Chuyến đi Singapore mình tốn khoảng 20 triệu đồng và sắp tới mình sẽ chi khoảng 10-15 triệu đồng nữa để xem concert của BlackPink ở Thái Lan vào ngày 28/5. Toàn bộ số tiền này mình kiếm được nhờ làm thêm, hoàn toàn không cần sự ‘tài trợ’ từ bố mẹ”, Phương Chi tự hào kể.

sinh vien lam them anh 1

Phương Chi đi 2 concert của thần tượng trong một tháng nhờ tiền làm thêm. Ảnh: NVCC.

Làm thêm nhiều, thu nhập cao

Chia sẻ thêm với Zing, Phương Chi cho biết hiện cô làm 3 công việc cùng lúc là dạy IELTS online, sáng tạo nội dung và sửa bài luận cho học sinh có nhu cầu đi du học.

Với mỗi công việc, trung bình Chi có thể kiếm được 5 triệu đồng mỗi tháng, tổng cộng là 15 triệu đồng/tháng. Vào những đợt cao điểm của mùa du học, Chi có thể kiếm được nhiều tiền hơn do nhu cầu tìm người sửa bài luận khá cao.

Ban đầu, nữ sinh chỉ làm thêm một công việc là dạy IELTS online. Nhưng vào đầu năm 2023, khi nghe tin thần tượng sẽ tổ chức concert ở Singapore và Thái Lan vào tháng 5, cô quyết định tìm thêm việc để tiết kiệm tiền đi xem concert.

Khi nghe về kế hoạch làm thêm của con gái, bố mẹ Chi không quá ủng hộ và nói rằng sẽ hỗ trợ cô chi phí để cô không phải vất vả đi làm. Tuy nhiên, nữ sinh từ chối vì muốn tự kiếm tiền, không muốn dùng đến tiền của bố mẹ để theo đuổi thần tượng.

Sau khi được sự đồng ý từ bố mẹ, Phương Chi bắt đầu làm thêm việc. Buổi sáng cô đi học ở trường và tranh thủ hoàn thành nhanh các bài tập. Buổi chiều và buổi tối, cô dành khoảng 4-6 giờ để làm việc, sau đó lại tiếp tục học bài, làm bài tập cho các môn học phần.

Dù công việc bận rộn, Chi chưa bao giờ tự ý nghỉ học hay để trượt môn. Thậm chí, cô còn đảm nhận vai trò trưởng nhóm hoặc là người “gánh team” mỗi khi làm bài tập nhóm trên lớp.

“Mọi người vẫn thường cho theo đuổi thần tượng là điều vô bổ, nhưng thực ra thần tượng truyền cảm hứng và động lực cho mình rất nhiều. Cũng nhờ làm thêm để có tiền đi concert, mình phát hiện mình có khả năng làm nhiều việc cùng lúc. Kỹ năng này sẽ rất có ích khi mình tốt nghiệp và đi làm fulltime”, Chi nói.

Không làm thêm để có tiền theo đuổi thần tượng như Phương Chi, Quỳnh Anh (sinh viên năm cuối tại TP.HCM) lại dành số tiền kiếm được từ việc làm thêm để mua máy ảnh và mua những món đồ yêu thích thay vì xin tiền bố mẹ như trước đây.

sinh vien lam them anh 2

Quỳnh Anh làm thêm để có tiền tự mua máy ảnh và tiêm vaccine HPV. Ảnh: NVCC.

"Mình sống cùng bố mẹ ở TP.HCM nên không phải lo tiền nhà như các bạn khác, nhưng đôi lúc mình phải xin tiền tiêu vặt. Xin bố mẹ nhiều quá cũng ngại nên từ năm nhất, mình đã đi làm để có tiền đi với bạn bè, tự mua đồ dùng cá nhân hoặc đổ xăng”, Quỳnh Anh thông tin thêm.

Lên năm 2, Quỳnh Anh nghỉ công việc ở quán cà phê để chuyển qua làm cộng tác viên báo chí. Với nữ sinh, công việc này phù hợp với ngành học của bản thân và định hướng lâu dài. Làm cộng tác viên cũng giúp Quỳnh Anh kiếm được nhiều tiền hơn, đồng thời giúp cô rèn được những kỹ năng nghề nghiệp để chuẩn bị cho quá trình tìm việc làm fulltime sau này.

Làm cộng tác viên báo chí được một thời gian, Quỳnh Anh có tiền mua máy ảnh phục vụ cho công việc của mình mà không cần xin thêm bố mẹ. Máy ảnh có giá 15 triệu đồng nên nữ sinh lên kế hoạch tiết kiệm 2 triệu đồng mỗi tháng để đủ tiền mua.

Ngoài việc mua máy ảnh, Quỳnh Anh cũng tự chi trả cho mọi chuyến đi cùng bạn bè, tự mua đồ cho bản thân và có tiền tiêm vaccine HPV, mỗi mũi tiêm khoảng 2 triệu đồng. Đối với nữ sinh, đây là khoản đầu tư xứng đáng cho sức khỏe.

“Để có tiền chi trả cho sở thích cá nhân, không ít lần mình phải viết bài xuyên đêm và nhận thêm những công việc tự do khác. Dù hơi áp lực và đôi lúc quá tải, mình vẫn thấy hài lòng vì đã đạt được những điều mong muốn”, cô bộc bạch.

Làm thêm là động lực, không phải áp lực

Làm 3 công việc cùng lúc để đi concert của thần tượng, Phương Chi từng bị bạn bè nói là cô đang liều mạng cho những điều vô bổ. Tuy nhiên, đối với nữ sinh, việc kiếm tiền để đi gặp thần tượng là động lực để cô phấn đấu, không phải áp lực.

Nhờ đi làm thêm, Chi học được cách lên kế hoạch và sắp xếp thời gian. Trước đây, một ngày của cô chỉ xoay quanh việc học và ở nhà nên cảm thấy khá bí bách. Nhưng nhờ đi làm, cô năng động hơn, sống có mục tiêu hơn và có thái độ sống tích cực hơn trước.

Nữ sinh nói rằng nếu muốn làm thêm nhiều việc cùng lúc như cô, sinh viên cần xác định liệu bản thân có “gánh” nổi khối lượng công việc hay không. Nếu cảm thấy quá tải, bạn cần giảm bớt việc, không nên ôm đồm vì làm quá nhiều vừa hại sức khỏe, vừa ảnh hưởng đến kết quả học tập.

“Sinh viên làm thêm không có gì xấu, làm thêm để kiếm tiền phục vụ cho mong muốn và cuộc sống của bản thân lại càng đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, mình vẫn mong các bạn ưu tiên việc học và sức khỏe của bản thân, đừng cố chạy theo đồng tiền rồi quên nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên vẫn là học tập và tốt nghiệp đúng hạn“, Phương Chi nói.

Quỳnh Anh cũng chia sẻ những điều tương tự. Đối với cô, làm thêm là cách để cô duy trì sự chăm chỉ và luôn hướng đến những mục tiêu cao hơn. Công việc cộng tác viên báo chí hiện tại cũng là động lực để cô rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, chuẩn bị cho quá trình tìm việc sau khi ra trường.

Nữ sinh khuyên rằng khi làm thêm, sinh viên cần tự đặt cho bản thân 3 câu hỏi: Công việc mình sẽ làm có ảnh hưởng đến việc học không, công việc này có giúp ích cho tương lai nghề nghiệp không, vì sao mình lại cần công việc này. Khi trả lời được 3 câu hỏi trên, sinh viên sẽ vững vàng hơn khi làm việc và không quá áp lực hay muốn bỏ cuộc giữa chừng.

Ngoài ra, để cân bằng giữa công việc và học tập, Quỳnh Anh khuyên sinh viên cần lựa chọn những công việc vừa sức, thời gian làm việc phù hợp và cần dành thời gian cho gia đình.

“Trước đợt dịch Covid-19 bùng phát, mình từng làm thêm đến mức quên ăn quên ngủ. Hiện tại, mình đã biết tiết chế hơn. Dù số tiền kiếm được không còn nhiều như trước, đổi lại mình có thêm thời gian chăm sóc cho gia đình và sức khỏe bản thân cũng như chuẩn bị tốt hồ sơ để tốt nghiệp vào cuối năm nay”, Quỳnh Anh chia sẻ.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Thái An - Linh Thùy

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)


Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Giáo dục (Tin mới)
Giáo dục (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05