24/03/2023 (15:04:47)
Hành động tự phong sao trở thành tiền lệ xấu của ngành du lịch. Sở Du lịch TP.HCM cho biết sẽ sớm lấy lại công bằng cho các đơn vị đạt chất lượng tốt.
Hậu đại dịch, ngành khách sạn ở TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Trong đó có việc các khách sạn không đủ chuẩn tự phong sao. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Hành động tự phong sao của các khách sạn gây ra nhiều tranh cãi. Không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng, đại diện một số đơn vị lưu trú "chuẩn" cho biết hành động này gây mất công bằng cho toàn ngành.
Lý giải về vấn đề sụt giảm này, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, chỉ ra nguyên nhân chính do từ ngày Luật Du lịch 2017 có hiệu lực về việc cơ sở lưu trú du lịch tự nguyện xếp hạng sao, không bắt buộc xếp hạng như Luật Du lịch 2005, xuất hiện số lượng lớn các khách sạn không có nhu cầu xếp hạng sao. Số lượng khách sạn 1-2 sao từ đó cũng giảm mạnh.
Theo báo cáo của Sở du lịch TP.HCM, tính đến cuối năm 2022 trên địa bàn thành phố có 3.227 cơ sở lưu trú du lịch các loại. Trong đó, 325 khách sạn được xếp hạng 1-5 sao.
So với 1.342 cơ sở vào cuối năm 2019, tổng số cơ sở lưu trú hạng 1-5 sao giảm còn 325 cơ sở năm 2022 (tương ứng giảm 312% so với 2019). Số lượng giảm mạnh tập trung ở đối tượng 1-2 sao.
Sau dịch, số lượng khách sạn đạt sao ở TP.HCM sụt giảm mạnh. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Song, trong thời gian này, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng một số khách sạn đã hết hạn xếp hạng sao hoặc tự ý phong hạng sao. Trước vấn đề này, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết thành phố sẽ quyết liệt xử phạt đối với đơn vị vi phạm.
“Đây là hành vi vi phạm hành chính và quy định về xếp hạng cơ sở lưu trú. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiến hành rà soát nhiều hơn nữa để trả lại sự công bằng cho các đơn vị, giữa đơn vị cơ sở lưu trú có xếp hạng sao và đơn vị không xếp hạng sao", Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch TP.HCM cho biết sẽ quyết liệt trong việc xử phạt hành chính đối với những đơn vị vi phạm.
Bà Nguyễn Hoàng Như Thảo, đại diện Wink Hotel, nhận xét hành động tự phong sao của của các đơn vị lưu trú không đạt chất lượng sẽ trở thành tiền lệ xấu cho ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng.
Theo bà Thảo, hành động này có thể ảnh hưởng xấu đến khách nội địa lẫn khách quốc tế.
"Với khách quốc tế, việc làm này thể hiện rằng ngành du lịch Việt Nam đang không trung thực, đi ngược lại với tiêu chuẩn thế giới. Không chỉ ngành khách sạn mà ngành kinh doanh của Việt Nam nói chung cũng không còn đủ chuẩn trong mắt họ", đại diện Wink Hotel bày tỏ với Zing.
Còn ở thị trường nội địa, các khách sạn gắn sao giả sẽ trở thành tiền lệ xấu của ngành du lịch. Các đơn vị lưu trú sẽ hình thành tư tưởng "anh làm được, tôi cũng làm được".
Để được cấp sao, các khách sạn cần phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trước ngày khai trương. Ảnh: Wink Hotel. |
Hành vi này nếu không được xử lý kịp thời sẽ làm suy yếu thước đo về mặt quản lý của nhà nước đối với ngành khách sạn.
Hiện việc đặt phòng qua các trang web trung gian đang là lựa chọn của nhiều du khách. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các khách sạn dễ dàng thực hiện việc tự phong sao cho mình.
Thông thường, mỗi trang web sẽ có hệ thống xếp hạng cơ sở lưu trú khác nhau. Thậm chí, với một số đơn vị, các tiêu chuẩn này không thống nhất với tiêu chuẩn xếp hạng sao do Tổng Cục Du lịch Việt Nam đề ra.
Cũng theo bà Thảo, các nền tảng OTA (Online Travel Agency) sẽ tự đề ra quy chuẩn sao của riêng mình. Họ có thể căn cứ theo quy mô của điểm lưu trú hoặc do tự đơn vị đó đề xuất.
Bên cạnh đó, các nền tảng này thường giao cho một nhân sự phụ trách nhiều đơn vị lưu trú khác nhau. Điều này cũng là một hạn chế để các trang web đặt phòng online có thể xác thực được hạng sao đơn vị lưu trú đã đề xuất.
Chia sẻ với Zing, đại diện Booking.com cho biết hệ thống xếp hạng chất lượng (rating) của nền tảng này không giống với xếp hạng sao của khách sạn.
Hệ thống rating này dành cho các cơ sở lưu trú được áp dụng trên toàn thế giới, bất kể họ có vị trí ở đâu. Các yếu tố rating có thể thay đổi theo thời gian và được kiểm duyệt định kỳ.
Cụ thể, các tiêu chí này gồm: cơ sở vật chất, tiện nghi và/hoặc dịch vụ cung cấp; các yếu tố cấu thành cơ sở lưu trú, chẳng hạn như diện tích, số lượng phòng và sức chứa; số lượng và chất lượng ảnh cơ sở lưu trú; điểm đánh giá trung bình của khách đặt phòng và nghỉ ở đây và dữ liệu đặt phòng (đã được ẩn danh) tổng hợp.
Nền tảng Agoda lại có hệ thống sao vàng (gold) và hồng (pink) để phân loại, xếp hạng các điểm lưu trú. Với hệ thống đánh giá sao vàng, đối tác lưu trú cần đảm bảo một số tiêu chí và cung cấp chứng nhận xếp hạng sao chính thức từ đơn vị xếp hạng hoặc cơ quan nhà nước cho Agoda. Tuy nhiên, khi được hỏi về tình trạng một số khách sạn có số sao trên Agoda khác với xếp hạng thực tế, đại diện nền tảng đặt phòng này từ chối bình luận.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
Vân Khanh
Theo: ZINGNEWS.VN |