Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Học sinh LGBT+ bức bối khi mặc áo dài

21/12/2022 (07:33:48)

Quy định học sinh nữ phải mặc áo dài tại nhiều trường học khiến học sinh thuộc cộng đồng LGBT+ cảm thấy không thoải mái vì không được là chính mình.

Áo dài bó sát cơ thể khiến một vài đối tượng học sinh không thoải mái khi mặc. Ảnh minh họa: Trường Sơn.

Trường của X.Y. (học sinh lớp 11 tại TP.HCM) có quy định mặc áo dài thứ 2 và thứ 6 hàng tuần. Y. cho biết em thuộc cộng đồng LGBTQ+, phổ phi nhị nguyên giới (một phổ của bản dạng giới, nằm ngoài hệ nhị phân giới). Vì vậy, việc mặc áo dài đến trường với Y. là điều khó khăn, thậm chí là bực bội và khó chịu.

“Em cảm thấy bản thân bị ‘gắn nhãn’ với giới tính mà mình không thuộc về, con người, cơ thể em không được tôn trọng trong bộ trang phục không dành cho bản dạng giới của em”, Y. chia sẻ với Zing

Tương tự, Anh Thi (25 tuổi, người chuyển giới nam) nhận ra bản thân muốn làm con trai từ lúc mới là cô bé 4-5 tuổi. Anh không gặp nhiều vấn đề khi mặc đồng phục nữ khi học tiểu học hay THCS. Tuy nhiên, quãng thời gian cấp 3, khi phải sống chung với áo dài, Thi lại cảm thấy khó khăn hơn nhiều.

Bức bối giới khi mặc áo dài

Y. chia sẻ áo dài thường được may ôm sát cơ thể nhằm mục đích tôn dáng, trong khi đó, Y. lại không có nhu cầu về vấn đề này, càng không thích người khác để ý nhiều đến cơ thể em. Ngoài ra, đồng phục nhà trường còn có áo sơ mi mặc kèm chân váy. Y. rất khó chịu khi phải mặc những đồng phục này bởi em cảm giác không được sống đúng với bản dạng giới của mình.

Y. cho biết mỗi lần phải mặc đồng phục nữ đến trường, em luôn cảm thấy chán ngán, bức bối và miễn cưỡng phải mặc. Vì vậy, đi học, Y. luôn ở trong trạng thái khó chịu, không thoải mái vận động. Vấn đề này không xảy ra khi em học THCS, đồng phục đều cùng một loại là quần tây, áo sơ mi trắng.

Theo Y., khi mặc đồng phục là áo dài hay váy, em cảm thấy bản dạng giới của mình bị “xóa bằng bút xóa" và ghi đè lên chữ 3 chữ “giới tính nữ”. Bên cạnh đó, quy định mặc áo dài hay đồng phục váy cũng khiến cho Y. và nhiều học sinh khác thuộc cộng đồng LGBT+ cảm thấy bị cô lập, lạc quẻ khi không thể có một loại đồng phục riêng, chỉ có 2 loại cho nam và nữ.

“Em luôn mặc áo khoác bên ngoài và kéo kín mít, dù không thể giải quyết triệt để vấn đề. Nhiều lúc nóng quá, em vẫn cố chịu. Em sợ không mặc áo khoác, lỡ mồ hôi ra thấm ướt áo dài, lộ phần nào đó. Ngoài ra, mặc váy hay áo dài khiến em luôn nghĩ tới giới tính ‘nữ’ ghi trên giấy tờ, và em không thoải mái với điều đó”, Y. kể.

Tìm mọi cách “né" áo dài

Giống như Y., Nguyên An (29 tuổi, người chuyển giới nam) và Anh Thi cũng mặc áo khoác suốt 3 năm THPT để giảm bớt cảm giác được cho là bức bối giới.

Năm lớp 10, dù chưa xác định chính xác bản dạng giới của bản thân, Nguyên An đã biết mình không muốn làm con gái, chỉ muốn là con trai nên với anh, việc nam mặc áo dài nữ là không hợp.

“Mình luôn phải mặc thêm cái áo khoác bên ngoài áo dài và ít di chuyển ra khỏi lớp. Hôm trời lạnh thì không sao chứ mấy hôm trời nóng cũng phải mặc áo khoác. Có khi nóng quá mình cũng ráng mặc áo khoác gần cả buổi. Đến tiết cuối mình cởi ra cho thoải mái, học xong lại mặc áo khoác vào, tranh thủ về nhà thay đồ khác”, anh nói.

Ngoài ra, do ngực nhỏ, anh An thường xuyên bị người khác body-shaming khi mặc áo dài. Đây cùng là lý do khiến anh không thấy thoải mái khi mặc trang phục này.

“Có thể không cố ý nhưng nhiều người hay hỏi mình những câu như ‘Mặc áo dài mà sao ngực nhỏ vậy?’. Vấn đề đó với mình khá nhạy cảm, khi nghe người khác nói vậy, mình cũng khá khó chịu”, anh cho hay.

ao dai khong thoai mai anh 1

Các chuyên gia khuyến nghị trường học nên tham khảo ý kiến của học sinh về lựa chọn đồng phục. Ảnh minh họa: Việt Hùng.

Khác với Nguyên An, Anh Thi nhận ra bản dạng giới của bản thân từ sớm. Tuy nhiên, anh cũng có những trải nghiệm không dễ dàng với áo dài khi bắt đầu lên THPT.

“Trường mình yêu cầu học sinh mặc áo dài tất cả mọi ngày trong tuần. Dù phải tuân theo quy định nhưng thú thật, mình ghét áo dài và tìm đủ mọi cách để tránh phải mặc”, anh Thi nói.

Thi cho biết anh từng cố gắng nghỉ học nhiều nhất có thể, né tránh mọi hoạt động ngoại khóa, ngày lễ yêu cầu mặc áo dài do nhà trường tổ chức dù bị đe dọa hạ hạnh kiểm.

Khác với các bạn nữ xung quanh thường ghét ngày đèn đỏ, anh Thi lại rất thích những ngày này bởi không cần mặc áo dài. Vì ghét, Thi không bao giờ là ủi áo dài cẩn thận như áo sơ mi, anh cũng chỉ dùng duy nhất một bộ áo dài trong suốt 3 năm học.

Giống như nhiều bạn thuộc cộng đồng LGBT+, Thi cũng hay bị bạn bè kỳ thị khi “cắt tóc ngắn mặc áo dài”. Theo lời anh, lúc đi ngang qua lớp khác, các bạn tự động dạt ra 2 bên cho anh đi vào giữa và chỉ trỏ, thậm chí là đụng chạm.Vì vậy, Thi chọn cách ngồi nguyên một chỗ trong lớp, hạn chế ra bên ngoài.

“Khóa mình cũng có 5 bạn thuộc cộng đồng LGBT+. Tuy nhiên, vì không chịu được áp lực phải mặc áo dài đến trường, họ chấp nhận bỏ ngang việc học”, anh Thi chia sẻ.

Anh Thi từng kể với bố về những bất tiện khi mặc áo dài. Bố anh vì thương con cũng từng làm đơn kiến nghị gửi lên trường nhưng không được thông qua.

Về phía anh An, học sinh và phụ huynh trong lớp cũng đề xuất ý kiến giảm ngày mặc áo dài. Nhà trường vì thế cũng nới lỏng quy định mặc áo dài từ cả tuần xuống còn mỗi ngày thứ 2.

Trong khi đó, Y. cho biết em chưa từng bày tỏ với thầy cô vấn đề em gặp phải bởi em sợ giáo viên có định kiến với cộng đồng LGBT+. Bên cạnh đó, cách xử lý của giáo viên trong một số vụ việc liên quan đến đồng phục trước đó khiến Y. cảm thấy không đủ niềm tin để chia sẻ, và cũng nghĩ có chia sẻ cũng khó mà giải quyết được.

Lâu nay, Y. vẫn luôn ước nhà trường có thể cân nhắc đến loại đồng phục phi giới tính, cả nam và nữ đều có thể mặc được như áo sơ mi, quần tây. Khi đó, em hay các bạn thuộc cộng đồng LGBT+ chắc chắn sẽ thoải mái và tự tin hơn, không còn cảm giác “bức bối giới".

Ngoài ra, Y. cũng hy vọng quy định mặc áo dài đối với học sinh nữ sẽ được đổi thành tự chọn, thay vì bắt buộc, hoặc nếu có thể, nhà trường cân nhắc đổi sang đồng phục là áo ngũ thân để phù hợp cả nam và nữ mặc trong ngày lễ hoặc chào cờ.

Tương tự, dù ra trường đã lâu, anh Nguyên An cũng bảy tỏ mong muốn phía nhà trường có thể lắng nghe nguyện vọng nói chung của học sinh và về việc mặc đồng phục nói riêng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần được phổ cập về kiến thức về LGBT để có thể lắng nghe và đưa ra các giải pháp tốt nhất cho học sinh.

Biến giải pháp tạm thời thành lâu dài

Theo một khảo sát liên quan đến phân biệt đối xử trong trường học của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) năm 2015, rất nhiều học sinh thuộc giới LGBT bị phân biệt đối xử, quấy rối, bắt nạt từ bạn bè và chính giáo viên hay bị ép phải thay đổi đồng phục, biểu hiện bên ngoài. Trong số đó, nhóm đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất từ việc mặc đồng phục hay thể hiện giới là các bạn chuyển giới.

ao dai khong thoai mai anh 2

Nhóm đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong việc mặc đồng phục là các bạn học sinh chuyển giới. Nguồn: Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE).

Theo anh Đặng Khánh An, tâm lý gia lâm sàng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, việc nhiều trường quy định học sinh nữ phải mặc áo dài/đồng phục váy cũng cho thấy rõ việc nhị phân giới tính ảnh hưởng đến việc quy định về thể hiện giới của mọi người, theo đó, thể hiện giới xoay quanh trục nam tính hoặc nữ tính. Điều này có thể tạo nên khó khăn cho các bạn LGBT+, đặc biệt là các bạn chuyển giới.

Hiện nay, một số trường chỉ quy định áo dài vào một số buổi sinh hoạt nhất định chứ không phải toàn bộ thời gian, điều này cũng không quá căng thẳng vì những khoảng thời gian khác các bạn vẫn có quyền lựa chọn các loại trang phục khác phù hợp hơn. Tuy nhiên, một số trường quy định mặc đồng phục nữ toàn thời gian sẽ hình thành bức bối giới, ảnh hưởng đến cuộc sống nếu nó kéo dài và tạo nên những đau khổ nhất định.

“Nếu thanh thiếu niên muốn nói lên mong mỏi của mình, họ gần như phải tiết lộ những thông tin về tính dục bản thân trong khi chưa thực sự sẵn sàng. Trong khi đó, nếu im lặng, các bạn vẫn phải tuân thủ quy. Điều này dễ dàng tạo nên các mâu thuẫn và căng thẳng nội tâm, tệ hơn là rơi vào tình trạng bức bối giới”, anh An cho hay.

Anh An nhấn mạnh bức bối giới có thể đến từ nhiều yếu tố như các thay đổi về sinh học của tuổi dậy thì, sự phát triển cơ thể và các đặc tính sinh dục phụ, yếu tố kỳ thị và tự kỳ thị của trẻ… Yêu cầu thể hiện giới qua trang phục mong muốn cũng là một phần của bức bối giới. Vì vậy, theo anh An, câu chuyện này cần được thống nhất bởi các nhà giáo dục khi nó ảnh hưởng khá nhiều đến triết lý và định hướng giáo dục.

Đồng quan điểm, anh Chu Thanh Hà, Giám đốc điều hành Tổ chức IT’S T TIME về quyền bình đẳng giới, nhận định cần nhiều bước đi lâu dài để giải quyết được vấn đề đồng phục trong nhà trường.

Đầu tiên, thay vì tự quyết, nhà trường nên lắng nghe ý kiến học sinh, phụ huynh về đồng phục. Có thể cho các em đề xuất ngày mặc đồng phục, kiểu đồng phục, tự thiết kế đồng phục miễn sao đảm bảo các tiêu chí quy định về đồng phục của Bộ GD&ĐT cũng như thể hiện được thương hiệu của nhà trường. Nhà trường cũng có thể cho cả học sinh nam - nữ mặc áo dài truyền thống…

“Điều quan trọng là phải lắng nghe và tôn trọng lựa chọn của các em, khuyến khích các hoạt động đối thoại về giới với học sinh để giáo dục các em về giới cũng như cách hành xử của các em với những người xung quanh”, anh Hà nói.

Theo anh Hà, giới luôn là chủ đề nhạy cảm trong nhà trường. Tuy nhiên, nếu học sinh không được giáo dục đầy đủ và kỹ càng về giới, hoạt động bạo lực học đường hay phân biệt đối xử rất dễ xảy ra.

Ngoài ra, anh Hà cho rằng Bộ GD&ĐT nên xem lại vai trò của đồng phục, khảo sát lấy ý kiến của học sinh để có thể ban hành bộ quy định “thân thiện và bao quát hơn” về đồng phục, để học sinh vẫn cảm thấy thoải mái với quy định này. Bên cạnh đó, giáo viên và nhà trường cần phải được giáo dục và tập huấn về giới để thay đổi cái nhìn về LGBT+.

“Việc nhà trường thay đổi nhận thức và cái nhìn về giới có thể khiến những quy định nói trên có ý nghĩa lâu dài, tạo ra văn hóa và môi trường học đường lành mạnh”, anh Hà nói.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên

Linh Thùy - Ngọc Bích

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)