22/04/2023 (05:25:01)
Giao tranh giữa các lực lượng trung thành với hai vị tướng đã đặt Sudan vào nguy cơ sụp đổ, với những hậu quả có thể vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
Nguyên nhân của tình trạng bạo lực tại Sudan bắt nguồn từ cuộc tranh giành quyền lực giữa chỉ huy quân đội nước này Abdel Fattah al-Burhan (trái) và chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh Mohamed Hamdan Dagalo. Ảnh: Financial Times. |
Cả hai vị tướng ở Sudan đều có hàng chục nghìn binh sĩ, những bên ủng hộ ở nước ngoài, nắm nhiều khoáng sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể bảo vệ họ khỏi các lệnh trừng phạt.
AP nhận định những yếu tố này chính là “nguyên liệu” cho xung đột kéo dài đã tàn phá các quốc gia khác ở Trung Đông và châu Phi, như Lebanon, Syria, Libya hay Ethiopia.
Giao tranh đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng triệu người mắc kẹt trong các khu đô thị và nơi trú ẩn.
Trung tâm giao tranh là lãnh đạo lực lượng quân đội Sudan, Abdel Fattah al-Burhan và chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF), Mohamed Hamdan Dagalo.
2 vị tướng này từng là những đồng minh khi cùng hợp tác để lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir vào năm 2019 và đóng vai trò quan trọng trong cuộc đảo chính. Tuy nhiên, hai người đàn ông đã chia rẽ trong quá trình đàm phán nhằm tích hợp RSF vào quân đội Sudan.
Mỗi vị tướng đều đang tìm cách giành quyền kiểm soát Sudan. Người chiến thắng trong cuộc giao tranh mới nhất có thể sẽ là tổng thống tiếp theo của Sudan, còn người thua cuộc đối mặt với lưu đày, bị bắt giữ hoặc tử hình. Ngoài ra, kịch bản nội chiến kéo dài hoặc đất nước phân chia thành các lãnh thổ khác nhau cũng có thể xảy ra.
Alex De Waal - chuyên gia về Sudan tại Đại học Tufts - cho biết xung đột lần này nên được coi là “vòng đầu tiên của một cuộc nội chiến”.
“Nếu không nhanh chóng kết thúc, cuộc chiến sẽ thành ‘trò chơi’ đa cấp độ, với một số chủ thể khu vực và quốc tế theo đuổi lợi ích của họ, sử dụng tiền, nguồn cung cấp vũ khí, có thể là quân đội của chính họ hoặc lực lượng ủy nhiệm”, ông viết.
Sudan là quốc gia có diện tích lớn thứ ba châu Phi và nằm trên sông Nile. Nước này không vui vẻ gì khi chia sẻ vùng biển với các đối thủ khác là Ai Cập và Ethiopia.
Ai Cập dựa vào sông Nile để nuôi sống hơn 100 triệu dân, trong khi Ethiopia đang xây dựng con đập khổng lồ ở thượng nguồn khiến cả Cairo và Khartoum không hài lòng.
Ai Cập có quan hệ chặt chẽ với quân đội Sudan, vốn được coi là đồng minh chống lại Ethiopia. Cairo đã liên hệ với cả phía tại Sudan để thúc đẩy lệnh ngừng bắn, nhưng có khả năng sẽ không ngồi yên nếu phe quân đội đối mặt với thất bại.
Sudan giáp với năm quốc gia khác: Libya, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea và Nam Sudan. Hầu hết đều đang sa lầy vào nội chiến, với các nhóm nổi dậy hoạt động dọc theo biên giới.
“Những gì xảy ra ở Sudan sẽ không dừng lại ở Sudan. Chad và Nam Sudan có nguy cơ bị ảnh hưởng ngay lập tức. Giao tranh càng kéo dài thì càng có khả năng chứng kiến bên ngoài can thiệp sâu”, Alan Boswell thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết.
Trong những năm gần đây, các quốc gia vùng Vịnh Arab đang hướng tới vùng Sừng châu Phi khi họ tìm cách phô trương quyền lực trên toàn khu vực.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - một cường quốc quân sự đang lên - đã mở rộng sự hiện diện trên khắp Trung Đông và Đông Phi. UAE có mối quan hệ chặt chẽ với RFS. RFS đã gửi hàng nghìn máy bay chiến đấu hỗ trợ nước này và Saudi Arabia trong cuộc chiến chống lại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen.
Trong khi đó, Nga từ lâu ấp ủ kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân với 300 binh sĩ và 4 tàu ở cảng Sudan, trên tuyến đường thương mại quan trọng ở Biển Đỏ để vận chuyển năng lượng đến châu Âu.
Sudan là quốc gia bị gạt ra ngoài lề khi nước này chào đón Osama bin Laden và các chiến binh khác vào những năm 1990.
Sự cô lập ngày càng sâu sắc khi xung đột bùng phát ở khu vực phía tây Darfur vào những năm 2000. Các lực lượng Sudan và Janjaweed bị buộc tội thực hiện các hành động tàn bạo đàn áp cuộc nổi dậy địa phương. Tòa án Hình sự Quốc tế buộc Tổng thống al-Bashir tội diệt chủng.
Mỹ đã loại Sudan khỏi danh sách các quốc gia hỗ trợ khủng bố, sau khi chính phủ Khartoum đồng ý thiết lập quan hệ với Israel vào năm 2020.
Tuy nhiên, cuộc đảo chính quân sự năm 2021 đã làm gián đoạn hàng tỷ USD cho vay và viện trợ. Sự gián đoạn này cùng với chiến sự Ukraine và lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Sudan.
Các nước phương Tây có thể dùng khủng hoảng kinh tế của Sudan như đòn bẩy, đe dọa trừng phạt kinh tế gây áp lực hai bên từ bỏ vũ lực.
Tuy nhiên, ở Sudan, các nhóm vũ trang từ lâu đã giàu có thông qua hoạt động buôn bán khoáng sản và tài nguyên quý hiếm.
Ông Dagalo có rất nhiều gia súc và tham gia hoạt động khai thác vàng. Các nước vùng Vịnh được cho là đã trả hậu hĩnh cho ông vì hoạt động của RSF ở Yemen.
Trong khi đó, quân đội kiểm soát phần lớn nền kinh tế và có quan hệ với các doanh nhân ở Khartoum cùng khu vực dọc theo bờ sông Nile.
“(Quân đội) sẽ muốn kiểm soát các mỏ vàng và tuyến đường buôn lậu. RSF sẽ muốn làm gián đoạn các tuyến huyết mạch giao thông chính, gồm cả con đường từ Port Sudan đến Khartoum”, ông De Waal nói.
Trong khi đó, nhiều bên có tiềm năng thành trung gian hòa giải - như Mỹ, Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Ai Cập, các quốc gia vùng Vịnh, Liên minh châu Phi và khối tám quốc gia phía đông châu Phi (IGAD) - có thể khiến mọi nỗ lực hòa bình trở nên phức tạp hơn bản thân cuộc chiến.
“Những bên hòa giải có nguy cơ biến cuộc chiến thành ‘vụ tắc đường mà không có cảnh sát’”, ông De Waal so sánh.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.
Phương Linh
Theo: ZINGNEWS.VN |