Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Hai trọng tâm được kỳ vọng tại phiên họp Quốc hội Trung Quốc

01/03/2023 (09:06:30)

Giới chuyên gia nhận định ổn định kinh tế và tự chủ công nghệ là hai trọng tâm sẽ được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trong phiên họp quan trọng vào tháng 3.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2022. Ảnh: Tân Hoa xã.

"Lưỡng hội" - gồm kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) - sẽ là sự kiện đáng chú ý tại Trung Quốc vào tháng 3.

Đây là sự kiện nhằm xác nhận sự thay đổi về bộ máy chính trị Trung Quốc, cũng như đặt ra những mục tiêu phát triển của đất nước.

Với việc đội ngũ nhân sự mới trong bộ máy chính trị Trung Quốc sẽ hoàn thiện khi kỳ họp Quốc hội kết thúc sau hai tuần nữa, giới chuyên gia nhận định rằng Bắc Kinh sẽ quay trở lại các chính sách hướng đến mục tiêu dài hạn, như tự chủ về công nghệ. Ngoài ra, phục hồi kinh tế cũng sẽ trở thành trọng tâm, sau hơn 3 năm áp dụng các biện pháp chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt, theo South China Morning Post.

Trở lại các mục tiêu dài hạn

Nis Gruenberg, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, nhận định ông Tập sẽ muốn lấy lại sự ổn định lâu dài để thực hiện các mục tiêu dài hạn ông đã đặt ra.

“Chúng ta có thể thấy được mức độ thực dụng cần thiết, như cái cách Trung Quốc đảo ngược Zero Covid-19. Giờ đây nước này đang đối mặt với áp lực tài chính. Các quy định trong lĩnh vực công nghệ cũng sẽ được bình thường hóa”, ông Gruenberg nói.

Đồng quan điểm, ông Dali Yang, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chicago, nói rằng tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm là hai thách thức lớn nhất ở Trung Quốc lúc này. “Tôi nghĩ ưu tiên hàng đầu với họ lúc này là phục hồi đất nước”.

Kể từ khi khép lại chính sách chống dịch Zero Covid-19 vào tháng 11/2022, Bắc Kinh đã gửi thông điệp mạnh mẽ rằng nước này sẽ trở lại trọng tâm là phát triển kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc cũng hoan nghênh lĩnh vực tư nhân, bao gồm công nghệ và bất động sản, hai ngành mà Bắc Kinh giám sát chặt chẽ trong những năm qua.

quoc hoi trung quoc anh 1

Các bộ phận chế tạo tên lửa đẩy Trường Chinh tại một cơ sở ở Trung Quốc. Ảnh CMSA/Space News.

Tân Hoa xã ngày 23/2 đưa tin ông Tập đã chủ trì phiên họp nhóm thứ 3 của Bộ Chính trị Trung Quốc về tăng cường nghiên cứu cơ bản. Ông Tập nhấn mạnh đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản là điều cấp thiết để đạt được khả năng tự chủ cao về khoa học và công nghệ.

Ông Tập đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền cần ưu tiên đưa nghiên cứu cơ bản vào chương trình nghị sự về khoa học công nghệ, đẩy mạnh công tác điều phối và hỗ trợ chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu cơ bản phát triển chất lượng cao.

"Tăng cường nghiên cứu cơ bản là con đường duy nhất để xây dựng Trung Quốc thành lãnh đạo thế giới về khoa học và công nghệ", ông Tập nói.

Những chuyển đổi về nhân sự

Việc công bố chức thủ tướng, vị trí số hai trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là điều được chờ đợi trong kỳ họp quốc hội, khi ông Lý Cường nhiều khả năng sẽ trở thành người lãnh đạo Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc thay ông Lý Khắc Cường, South China Morning Post cho hay.

Sau khi ông Tập trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, ông đã thành lập và dẫn dắt một số nhóm lãnh đạo về nhiều vấn đề kinh tế và công nghiệp.

Ông cũng khôi phục nhóm kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và nhiều lần nhấn mạnh về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc điều hành nền kinh tế.

Vào năm 2018, Bắc Kinh đã có cuộc cải cách sâu rộng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ, qua việc chuyển giao một số lĩnh vực trước đây thuộc sự giám sát của Quốc vụ viện sang cho Đảng cộng sản Trung Quốc.

Hồi tháng 2, Trung Quốc cũng thông báo đã lên kế hoạch cải cách tương tự 5 năm trước. Nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ có thêm nhiều danh mục từ nội các được giao cho các cơ quan Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Nis Gruenberg nói rằng ban lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ “rất hiệu quả” trong việc thực hiện định hướng chính sách của ông Tập.

quoc hoi trung quoc anh 2

Trung Quốc giới thiệu 7 thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2022. Ảnh: AP.

“Bộ Chính trị Trung Quốc khóa mới sẽ rất đáng mong đợi, vì họ có nhiều chính trị gia và nhà kỹ trị”, chuyên gia từ Berlin nhận định.

Theo ông Gruenberg, Bí thư Khu ủy Tân Cương Mã Hưng Thụy, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Viên Gia Quân, cựu Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh Trương Quốc Thanh - 3 nhân vật mới được bổ nhiệm vào Bộ Chính trị khóa XX - là những ứng viên lý tưởng để thúc đẩy tầm nhìn về tự chủ công nghệ của ông Tập.

Ông Gruenberg cho hay cả 3 tân ủy viên Bộ Chính trị trên đã có hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực vũ trụ và quốc phòng, và chỉ mới tham gia vào chính trị những năm gần đây.

Về chất lượng cơ quan Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bài phân tích hồi tháng 1, ông Neil Thomas, nhà phân tích Trung Quốc tại Eurasia Group (Mỹ), nói rằng đây là Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc “có nền tảng học vấn mạnh nhất” từ trước đến nay.

Ông Thomas cho biết có 49,5% người trong tổng số 205 thành viên và 171 dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương là những nhà kỹ trị, cao hơn so với 37,2% vào năm 2012. Trong số này, 7,7% là những học giả cấp cao về khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học, so với 4% vào năm 2012.

Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Trần Hoàng

Theo: ZINGNEWS.VN


Thế giới (Tin trước)