15/03/2023 (10:24:29)
Sau một năm mở cửa du lịch, ngành du lịch Việt Nam có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, khách quốc tế chưa đạt như kỳ vọng.
Ngành du lịch Việt Nam có nhiều khởi sắc. Ảnh: Ảnh: annichken. |
Từ 15/3/2022, Việt Nam chính thức mở cửa trở lại hoàn toàn hoạt động du lịch nội địa và quốc tế sau thời gian dài bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, năm nay, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách. Trong đó, có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông & Marketing công ty lữ hành TST Tourist, nhận định xuyên suốt 2022-2023, các hoạt động của ngành lữ hành rất sôi động. Sự hồi phục của thị trường nội địa, outbound (đưa khách đi nước ngoài) ngày càng tăng, từng bước tạo nên sự ổn định. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế tới Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng.
"Lượng khách quý I năm nay so với cùng kỳ năm 2019 bước đầu hồi phục. Trong đó, lượng khách nội địa đạt bằng 50%, outbound đạt bằng 60%, inbound chỉ đạt bằng 20%", vị này cho biết.
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing công ty lữ hành BestPrice, chia sẻ hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa. Công ty này trong quý I đã phục vụ hơn 33.000 lượt khách nội địa, đạt khoảng 70% so với năm 2019.
Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, năm 2022, du lịch Việt ghi nhận lượng khách nội địa bùng nổ nhất, đạt 101,3 triệu lượt, tăng hơn 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019.
Năm 2022, du lịch Việt đạt 101,3 triệu lượt khách nội địa. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo ông Tú, trong quãng thời gian du lịch đóng cửa, du lịch nội địa có sự nỗ lực đổi mới. Nhiều tỉnh thành đầu tư và phát triển hệ thống lưu trú, điểm du lịch mới rất hấp dẫn, hướng đến yếu tố sức khỏe, an toàn, cá nhân hóa. Sản phẩm du lịch cũng đa dạng và mới lạ hơn.
"Khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Bắc và Tây Bắc có nhiều thay đổi rõ rệt nhất", ông Thanh Tú cho biết.
Du lịch outbound cũng dần trở lại, thúc đẩy việc bình thường hóa các hoạt động du lịch. Trong quý I/2019, công ty lữ hành này phục vụ hơn 2.000 lượt khách. So với cùng kỳ năm 2023, con số này mới đạt khoảng 70% so với 2019.
"Trong năm 2019, 60% khách chọn đi Thái Lan và Singapore. Năm nay, xu hướng lựa chọn tour của khách Việt đa dạng hơn. Ngoài Thái Lan và Singapore, các điểm đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu, châu Úc được du khách yêu thích", vị giám đốc này chia sẻ thêm.
Nhận xét về xu hướng du lịch trong năm qua, một số công ty lữ hành cho biết du khách Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động kinh tế. Do đó, khả năng tiêu dùng có dấu hiệu chậm lại. Tuy nhiên, số ít còn lại vẫn sử dụng dịch vụ cao cấp.
Nhu cầu du lịch nước ngoài đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Xu hướng du lịch trọn gói theo nhóm gia đình phát triển song song với sự phát triển du lịch tự túc và mua combo dịch vụ.
Theo ông Minh Mẫn, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đáng kể. Tuy nhiên, quá trình mở cửa trở lại đã thể hiện nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam. Hiện, phần đông khách quốc tế đến Việt Nam từ châu Âu, Thái Lan, Indonesia.
Số lượng khách quốc tế chưa đạt như kỳ vọng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, một trong những hạn chế trong việc đón khách quốc tế lớn nhất chính là thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.
Lượng khách quốc tế trong năm 2022 chưa đạt kỳ vọng. Ảnh: Lonely Planet. |
Thời gian du khách nước ngoài có thể lưu trú lại Việt Nam vẫn còn quá ngắn ngày. Thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN kéo dài 30-45 ngày, thậm chí là 90 ngày, còn Việt Nam chỉ 15 ngày.
"Khách lưu trú tại Việt Nam nhiều ngày hơn có thể gia tăng khả năng chi tiêu. Ngoài ra, cần xem xét mở rộng danh sách miễn thị thực đối với các thị trường tiềm năng", Giám đốc Truyền thông & Marketing công ty này cho biết.
Đồng thời, các công ty lữ hành cần đầu tư nhiều hơn nữa cho hoạt động quảng bá ở nước ngoài cũng như việc tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm du lịch cụ thể tại Việt Nam đến doanh nghiệp lữ hành các nước.
Trước dịch Covid-19, thị trường khách inbound của Việt Nam phần đông là du khách Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, thị trường Nga vẫn bị hạn chế đi lại do ảnh hưởng của xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, sự kiện 15/3 Trung Quốc mở tour đoàn đến Việt Nam được mong chờ là cú hích lớn cho thị trường du lịch.
Ngoài ra, nhóm khách Ấn Độ được coi là thị trường tiềm năng do lợi thế sử dụng tiếng Anh. Du khách Ấn Độ cũng có nhiều nét văn hoá tương đồng với Việt Nam. Do đó, khi đặt tour, họ thường đặt cho cả gia đình, giúp các công ty tối ưu được nguồn lực phục vụ.
Theo ông Hồng Thái, Giám đốc công ty lữ hành Hà Nội Tourist, dịch bệnh kéo dài khiến nhiều công ty phá sản, đóng cửa do không chống cự được về kinh tế, nhân sự. Công ty đã nỗ lực nuôi nhân sự, lên chiến lược chờ ngày du lịch mở cửa. Tuy nhiên, khách hàng hiện nay cần trải nghiệm dịch vụ mới, phía công ty đang nghiên cứu ra mắt thêm các tour đa dạng hơn.
Thị trường khách quốc tế năm nay vẫn ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan như khủng hoảng tài chính, thiếu hụt lao động... Trải qua một năm 2022 hoạt động du lịch an toàn, năm 2023 được nhiều công ty lữ hành kỳ vọng tăng trưởng bứt phá.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.
Thu Trang
Theo: ZINGNEWS.VN |