Muốn con rèn luyện sức khỏe và có những trải nghiệm cuộc sống, nhiều phụ huynh đầu tư hàng chục triệu đồng cho việc cắm trại và duy trì hoạt động này hàng tuần, hàng tháng.
|
Hai con của anh Trần Đức Anh được bố mẹ đưa đi cắm trại khi còn rất nhỏ. Ảnh: NVCC. |
Cứ khoảng 2-3 lần mỗi tháng, vào giữa tuần, vợ chồng anh Trần Đức Anh (Hà Nội) lại xin nghỉ cho con trai lớn (4 tuổi) để cả nhà đi cắm trại ở ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận Hà Nội. Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, tần suất đi cắm trại sẽ ít hơn những mùa mát mẻ nhưng vợ chồng anh vẫn duy trì hoạt động này như một “truyền thống” của gia đình.
Anh Đức Anh cho biết gia đình anh có hai con, một bé 4 tuổi và một bé 2 tuổi. Lần đầu hai bé theo chân bố mẹ đi cắm trại là khi mới 2 tuổi và 6 tháng tuổi. Sau 2 năm, các con cũng đã quen với nhịp sống gắn liền với những chuyến đi xa, coi rừng núi là nhà.
“Vợ chồng mình đều làm công việc tự do và có một quán cà phê ở Hà Nội. Dù bận đến đâu, chúng mình cũng cố gắng sắp xếp để dẫn con đi cắm trại vì sợ rằng sau này khi con vào lớp 1, thời gian bận hơn, con sẽ khó nghỉ học để đi theo bố mẹ”, anh Đức Anh chia sẻ.
|
Anh Đức Anh tự sắm dụng cụ cắm trại để đưa hai con đi khám phá các điểm cắm trại gần nhà hoặc lân cận Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Đầu tư thời gian, tiền bạc để con có tuổi thơ ý nghĩa
Nói về lý do cho con đi cắm trại khi còn nhỏ tuổi, anh Đức Anh cho biết bản thân anh và vợ rất mê cắm trại nên muốn cho con đi cùng để trải nghiệm, đồng thời lưu lại những hình ảnh, thước phim quý giá của cả nhà để lưu làm kỷ niệm.
Ngoài ra, thông qua những chuyến đi này, anh muốn con có cơ hội tự khám phá, tự giải đáp các thắc mắc mình đặt ra, đồng thời hình thành và rèn luyện các kỹ năng phù hợp với độ tuổi như tự vệ sinh cá nhân, giúp đỡ cha mẹ, chơi thể thao lành mạnh, an toàn…
Người bố xác định sẽ đi cắm trại thường xuyên nên thay vì thuê hoặc mượn, gia đình anh chi khoảng 30-40 triệu đồng để mua dụng cụ cắm trại, bao gồm lều bạt, bàn ghế, bếp mini, nồi, chảo… Những món đồ này đắt hơn mặt bằng chung nhưng anh Đức Anh thấy không phí vì dùng hơn 2 năm vẫn không cần thay mới.
Về chi phí cho mỗi chuyến đi, gia đình anh chỉ cần mua đồ ăn, nhu yếu phẩm. Tính thêm vé vào khu cắm trại và xăng xe đi lại, mỗi chuyến đi dao động trong khoảng 1-2 triệu đồng.
Do có con nhỏ và chỉ đi trong 1-2 ngày, vợ chồng anh Đức Anh sẽ phải tính toán rất kỹ khi chọn điểm cắm trại. Thông thường, anh sẽ cân nhắc các yếu tố theo thứ tự ưu tiên là: An ninh tốt, an toàn cho trẻ em, vị trí gần nhà, phong cảnh đẹp, nơi cắm trại có dịch vụ.
Với những chuyến đi xa và dài ngày hơn, vợ chồng anh sẽ ghép nhóm cùng các gia đình khác. Khi đi đông người, trẻ sẽ có thêm bạn chơi cùng, phụ huynh cũng có thể hỗ trợ nhau trông con.
|
Các con của anh Đức Anh (trái) và các con của chị Thúy Liên (phải) được cắm trại, vui chơi ở khu vực có nhiều cây xanh, đồng cỏ rộng. Ảnh: NVCC. |
Giống với gia đình anh Đức Anh, gia đình chị Thúy Liên (Hà Nội) cũng đầu tư hơn 10 triệu đồng mua sắm dụng cụ cắm trại để cho con đi trải nghiệm. Mỗi tháng, gia đình chị sẽ dành hai dịp cuối tuần, khi các thành viên sắp xếp được thời gian, để đưa 3 con đi cắm trại ở khu vực ngoại thành Hà Nội hoặc các tỉnh phía bắc.
3 con của chị Liên cũng còn khá nhỏ, bé lớn 7 tuổi, bé thứ hai mới lên 5 và bé út 2 tuổi. Do con còn nhỏ, chị Liên chỉ chọn những điểm có thể di chuyển trong ngày, ít khi ở qua đêm. Thông thường, gia đình chị sẽ tìm những nơi có địa hình an toàn, bãi cỏ rộng để các con chơi đùa. Nếu vào mùa hè, chị Liên ưu tiên khu vực có nhiều cây xanh tạo bóng mát, nơi có thác nước, sông suối để trẻ tập bơi.
“Mình lựa chọn cắm trại để cho các con có thật nhiều trải nghiệm thực tế, khám phá thêm những địa điểm thiên nhiên ấn tượng. Các con đi chơi như vậy nên cũng vận động liên tục, không còn thời gian nghĩ đến điện thoại. Quan trọng nhất là nhờ những chuyến đi, cả gia đình lại gắn kết hơn, các con cũng có được tuổi thơ đáng nhớ và ý nghĩa”, chị Liên chia sẻ.
Trưởng thành hơn từ những chuyến đi
Chị Thúy Liên nói rằng khó khăn lớn nhất với vợ chồng chị khi đưa con đi cắm trại là phải trông một lúc 3 con nhỏ ở độ tuổi hiếu động, thích chạy nhảy, nhận thức về sự nguy hiểm còn hạn chế. Nếu chuyến đi chỉ có hai vợ chồng và các con, chị Liên và chồng sẽ phải thay phiên nhau để mắt đến các bé.
Rút kinh nghiệm từ những lần “đánh lẻ”, vợ chồng chị Liên quyết định đi theo nhóm cùng gia đình bạn thân. Gia đình bạn chị Liên cũng có con nhỏ nên các bé lại có thêm bạn, người lớn cũng có thể thay phiên nhau chuẩn bị lều trại, nấu ăn và trông con.
|
Con của anh Đức Anh (trái) chèo thuyền cùng bố, con của chị Thúy Liên (phải) tập bơi và được phép bơi ở các vùng nước nông. Ảnh: NVCC. |
Cắm trại là dạng du lịch trải nghiệm nên sẽ không tránh được những lần gặp rắc rối. Chị Liên nhớ lại một lần cắm trại trên núi, khi xuống núi trời tối nhanh, đường dốc khó đi mà lại không có đèn, vợ chồng chị quyết định cho con xuống xe đi bộ xuống núi cho an toàn.
“Chuyến đi đó nguy hiểm nhất nhưng cũng rất đáng nhớ. Sau chuyến đi đó, các con có thêm một kỹ năng sống là khi gặp nguy hiểm thì phải giữ bình tĩnh, không la hét, không than vãn mà cần vui vẻ cùng nhau vượt qua khó khăn”, người mẹ chia sẻ.
Chị cho biết thêm nhờ đưa con đi cắm trại thường xuyên, con chị hiểu biết hơn, trí tưởng tượng phong phú hơn khi viết văn, vẽ tranh. Khi nhắc đến những chuyến đi, các bé đều rất hào hứng và hạnh phúc.
Các con của anh Đức Anh cũng trưởng thành hơn từ những lần đi cắm trại cùng cha mẹ. Trẻ con dễ thân nhưng cũng dễ giận dỗi nhau. Những lúc các bé có xích mích, anh thường để các bé tự giải quyết và làm hòa với nhau. Cũng nhờ việc cùng bố mẹ “xê dịch”, con của anh Đức Anh gần như bỏ được thói quen vừa ăn vừa xem điện thoại như trước đây.
Ngoài kỹ năng bình tĩnh xử lý tình huống, các gia đình cho con đi cắm trại như gia đình chị Thúy Liên và gia đình anh Đức Anh cũng cho con tập bơi từ sớm vì nơi cắm trại thường có sông, suối hoặc hồ nước.
Con trai 4 tuổi của anh Đức Anh sắp được học bơi. Dù sau này con biết bơi, anh vẫn sắm thêm phao và bơi cùng con để đảm bảo con được an toàn.
“Trẻ con thích nghịch nước nhưng đôi khi chưa nhận thức được những dấu hiệu nguy hiểm, người lớn vẫn cần để mắt đến con thường xuyên”, anh nói.
Không riêng trẻ nhỏ, phụ huynh cũng thay đổi rất nhiều sau những chuyến đi cùng con. Cả anh Đức Anh và chị Thúy Liên đều nói rằng khi dành thời gian trải nghiệm cùng con, bố mẹ cũng kiên nhẫn, hiểu con hơn và tìm cách giao tiếp phù hợp khi trò chuyện và dạy con.
Ngoài ra, các hoạt động ngoài trời giúp gia đình nhỏ được quây quần và gắn kết sau những giờ làm việc, học tập bận rộn nên hai gia đình cảm thấy việc chi cả chục triệu đồng cho việc đi cắm trại là hoàn toàn xứng đáng. Thời gian tới, gia đình anh Đức Anh và chị Thúy Liên dự kiến vẫn duy trì hoạt động này để khám phá những vùng đất mới và học hỏi thêm nhiều điều thú vị.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra