Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Dân văn phòng trưa đi sắm Tết, tối chạy deadline

17/12/2022 (16:46:59)

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, Phương Mai đi xem quà Tết. Buổi tối, thường tan làm lúc 20h, cô khó có thể mua sắm thoải mái, kịp giờ cửa hàng mở cửa.

Nhiều người sắm Tết từ sớm để tránh cảnh đông đúc, lo ngại không đủ thời gian chuẩn bị kỹ càng. Ảnh: Phương Lâm.

11h30, sau giờ họp, Phương Mai (26 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) lại chạy xe đi xem vài món quà Tết. Năm nay, Tết đến sớm, nhân viên văn phòng này cuống quýt mua sắm vì lo không đủ thời gian chuẩn bị.

Chia sẻ với Zing, Phương Mai cho biết mình đã lên danh sách những người cần biếu quà, bao gồm bố mẹ, một số người họ hàng và cấp trên tại công ty. Cô tranh thủ giờ nghỉ trưa để đến cửa hàng xem tận mắt giỏ quà, sợ cảnh rắc rối khi mua đồ qua mạng.

"Phải đi giờ trưa thôi vì vào buổi tối, tôi không rảnh rỗi là bao. Cuối tuần, tôi còn phải nghỉ ngơi hoặc đi làm tóc, trị liệu da đón Tết", cô kể.

Theo Bộ Công thương, thị trường hàng hóa tháng cuối năm 2022 khá sôi động để chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nhiều người bắt đầu mạnh tay với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước tính nhu cầu sẽ tăng khoảng 8 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vừa lo sắm Tết, vừa chạy deadline

Đây là ngày thứ 3 Phương Mai không nghỉ ngơi giờ trưa mà cùng người đồng nghiệp thân ra đường xem đồ, mua sắm. Cô ghé tới các siêu thị hàng nhập khẩu và các cửa hàng quần áo. Áp phích giảm giá sâu 70% ++ thuyết phục cô tự thưởng cho mình chiếc đầm tiếp theo trong tháng.

"Nhưng khi trở về công ty, trên bàn tôi lại là một xấp tài liệu chất cao. Mùa cuối năm luôn là thời điểm căng thẳng tại các agency như chúng tôi. Không có ngày nào tôi rời khỏi công ty trước 20h", cô tâm sự.

Đây là tình hình chung đang diễn ra tại nhiều công ty, doanh nghiệp vào giai đoạn cao điểm cuối năm. Tết Nguyên Đán 2023 đến khá sớm, đồng thời lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch sát nhau khiến nhiều "cổ cồn trắng" lo lắng vì phải lo liệu cả việc nhà và việc công ty. Nhiều người tranh thủ giờ nghỉ một cách tối đa nhằm giải quyết nhiều đầu việc khác nhau.

Tet Nguyen dan anh 1

Phương Mai tất bật trong những ngày cuối năm vì khối lượng công việc lớn, trong khi có nhiều hạng mục cần mua sắm cho Tết.

Tương tự Phương Mai, Trang Anh (26 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) ghi ra sổ những công việc cần làm khi Tết Nguyên đán cận kề, bao gồm đặt vé xe về quê, quà Tết cho sếp, quà Tết cho bố mẹ, đặt vé máy bay ra Hà Nội, làm tóc mới, đặt may áo dài…

Chia sẻ với Zing, cô thừa nhận mình chưa hoàn thành được việc nào trong số đó vì công việc hiện tại quá bận rộn.

Trang Anh làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cuối năm được cho là thời điểm gấp rút để cô cùng nhiều đồng nghiệp hoàn thành chỉ tiêu. Số lượng giao dịch tăng cao khiến nữ nhân viên phải liên tục OT (làm việc quá giờ) trong nhiều tuần qua.

"Tôi cho rằng mua sắm Tết vào lúc này là hợp lý bởi hàng hóa còn đa dạng, nhiều sự lựa chọn, cũng chưa bị tăng giá quá cao. Tôi cũng đã chuẩn bị sẵn ngân sách cho việc mua đồ. Tuy vậy, tôi lại không có đủ thời gian để đi ngắm nghía", cô cho hay.

Theo lời Trang Anh, cô mất nhiều thời gian nhất để suy nghĩ món quà cho phù hợp cho sếp, sao cho vừa tinh tế, xa xỉ, lại không quá phô trương tránh việc bị đồng nghiệp bàn tán. Năm ngoái, nữ nhân viên đã phải nhờ bạn xách tay một chai rượu vang hiếm từ nước ngoài về làm quà tặng sếp.

"Chuẩn bị quà Tết là một trong những việc tốn nhiều thời gian, công sức nhất", cô khẳng định.

Trong khi đó, một tháng trước Tết Nguyên đán cũng là khoảng thời gian bận rộn nhất đối với Thảo Hiền (26 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khi cô đang phải đảm nhiệm nhiều chiến dịch truyền thông vào thời điểm này.

Sau khi tan ca, cô vẫn mở laptop, liên tục xem điện thoại để kiểm tra tiến độ công việc. Nhân viên này chỉ có thể yên tâm đi ngủ khi sếp duyệt ý tưởng, đối tác triển khai kế hoạch.

Một tháng trước, cô dự định đưa mẹ đi may đo áo dài sớm để tránh trường hợp quá đông đúc, nhà may kín lịch. Tuy nhiên, đến giờ, lịch hẹn may áo với mẹ vẫn bị cô lùi về sau để giải quyết việc gấp tại công ty.

Tận dụng giờ nghỉ trưa, cuối tuần

Thảo Hiền thường dành những buổi cuối tuần cho việc ngủ nướng và nghỉ ngơi, bù đắp năng lượng cho suốt tuần dài làm việc căng thẳng. Nhưng khoảng một tháng qua, thứ bảy và chủ nhật của cô vẫn là những ngày làm việc hoặc tất bật chuẩn bị cho Tết.

“Tôi vừa dành cả một ngày chủ nhật tại spa. Da mặt có nhiều mụn ẩn, tôi mua gói vi kim để cải thiện làn da đón Tết. Liệu trình này cần làm sớm để da có ít nhất 2 tuần phục hồi", cô lý giải.

Nếu không có lịch làm đẹp đặt sẵn tại spa hoặc salon tóc, nhân viên này cũng sẽ chiều lòng bố mẹ bằng những buổi mua sắm gia đình hoặc dọn nhà cuối năm.

Tet Nguyen dan anh 2

Thay vì được ở nhà nghỉ ngơi, ngày cuối tuần, Thảo Hiền thường tất bật đi spa hoặc mua sắm, dọn nhà.

Trong khi đó, với Trang Anh, khoảng thời gian phù hợp nhất để sắm Tết chính là 2 tiếng nghỉ trưa tại văn phòng.

Mỗi tuần vài buổi, cô ăn trưa nhanh chóng với chiếc bánh mì rồi chạy xe đến các dãy phố chuyên bán quà Tết. Vốn kỹ tính trong việc chọn quà, Trang Anh thừa nhận cô phải dành trung bình 30 phút tại một cửa hàng để hỏi han giá cả, sản phẩm. Nhiều khi ghé đến 3-4 cửa hàng, cô vẫn chưa tìm mua được món đồ ưng ý.

Theo chia sẻ của Trang Anh, vài năm gần đây, những hộp quà Tết được thiết kế tinh tế và chỉn chu. Giá thành mỗi hộp quà bao gồm rượu, nước ép detox, đồ ăn vặt healthy dao động khoảng 3-5 triệu đồng. Tuy nhiên, cô phải cân đối chi tiêu, mua sắm vì còn nhiều khoản khác phải lo.

Những buổi trưa khác, nếu còn thời gian, nữ nhân viên văn phòng cũng tranh thủ hẹn bạn để cùng đi mua sắm. Tuy nhiên, các cửa hàng thời trang đều nườm nượp khách hàng hối hả ra vào dịp cuối năm. Cô và bạn luôn phải chờ 5-10 phút cho mỗi lần xếp hàng thử đồ.

“Cố tranh thủ mọi khoảng thời gian trống để đi sắm Tết, nhưng danh sách những thứ cần mua của tôi vẫn còn dài. Nếu không kịp đến tận nơi lựa chọn, tôi buộc phải đặt một số quần áo, mỹ phẩm, bao lì xì, đồ trang trí nhà cửa... qua các sàn thương mại điện tử dù đây là điều cô không hề muốn”, cô nói.

Trao đổi với Zing Lifestyle về vấn đề chi tiêu cuối năm, chuyên gia tài chính cá nhân Mina Chung cho rằng người tiêu dùng cần mua sắm có tính toán để tránh thiếu hụt tiền bạc và rơi vào cảnh nợ nần.

Đầu tiên, bạn không nên vay nợ, trả góp với số tiền lớn để thỏa mãn nhu cầu sắm Tết. Cuộc sống vẫn tồn tại nhiều bất trắc khó lường, ví dụ như thiên tai, dịch bệnh kéo dài. Bị hạn chế cơ hội kiếm tiền, bạn sẽ rơi vào bế tắc với phần tiền chưa chi trả. Thay vào đó, hãy tập đo lường khả năng chi tiêu cá nhân. Nhờ vậy, bạn không phải loay hoay với quá trình trả nợ trong thời gian dài.

Thứ hai, bạn cần thiết lập ngân sách mua sắm cụ thể. Bên cạnh đó, duy trì kỷ luật khi sử dụng tiền cũng là nhiệm vụ quan trọng. Bằng không, tâm lý tiêu tiền vô độ sẽ gây ra nhiều phiền phức, dễ đánh mất niềm vui mùa Tết của bất kỳ ai.

Cuối cùng, bạn nên lên kế hoạch chi tiêu sớm.

Khi liệt kê những món cần chuẩn bị, bạn dễ dàng sắp xếp thời gian lựa chọn hàng trước, sắm sửa, hạn chế cảnh chật vật, chen chúc. Ngoài ra, bạn cũng có thể săn deal nhằm tiết kiệm hoặc mua thêm vài thứ theo sở thích.

Quan trọng nhất, lập kế hoạch sớm cho phép cá nhân được cân nhắc, so sánh thay vì phải bấm bụng chi tiền vì không còn lựa chọn tốt hơn. Nhờ đó, những ngày cuối năm, đầu Tết của bạn sẽ trôi qua nhẹ nhàng, trọn vẹn.

Nhớ sống hạnh phúc nhé!

Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.

Linh Vũ - Mỹ Trinh

Theo: ZINGNEWS.VN


Thời sự (Tin trước)


Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Thời sự (Tin mới)
Thời sự (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05