Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Cuộc truy tìm viên phóng xạ nguy hiểm nhất Australia

01/02/2023 (10:32:45)

Trên đường đi, viên nang chứa chất phóng xạ nguy hiểm đã đột ngột “mất tích”, đẩy toàn bộ Australia vào tình trạng cảnh báo bức xạ cao.

Cách đây 3 tuần, một viên nang nhỏ chứa chất phóng xạ nguy hiểm đã bị thất lạc khi đang được vận chuyển qua bang Tây Australia. Cụ thể, hôm 12/1, chiếc xe tải đi từ kho chứa hàng ở thành phố Perth đến khu mỏ giữa sa mạc vùng Pilbara, bang Tây Australia.

Chuyến xe mang một viên nang nhỏ, là bộ phận chuyên dùng đo đạc quặng sắt đã bị hỏng quay lại thành phố Perth để sửa chữa. Đây là thiết bị chuyên dụng của Rio Tinto, tập đoàn khai khoáng lớn nhất Australia và được ủy thác cho một nhà thầu chuyên nghiệp vận chuyển.

Biến mất bí ẩn trên đường đi

Đến hôm 16/1, hộp đựng chứa viên nang được đặt trong một thiết bị chống bức xạ đã lên đường quay trở về Perth. Tuy nhiên, ngày 25/1, khi các nhân viên mở thiết bị chứa ra, chiếc hộp đựng đã bị vỡ ra làm đôi còn viên nang thì mất tích hoàn toàn.

Vien phong xa mat tich anh 1

Quãng đường vận chuyển kéo dài 1.400 km, gây khó khăn cho công tác tìm kiếm. Ảnh: NXTMine.

Theo Bloomberg, viên nang thất lạc chứa Cesium-137, một chất phóng xạ nồng độ cao chuyên dùng cho thiết bị khai thác mỏ. Cesium có thể phát ra bức xạ tương đương 10 tia X mỗi giờ.

Do đó, nguy cơ bị bỏng phóng xạ, nhiễm độc hoặc bị thương nặng nếu chạm tay vào viên chứa chất phóng xạ này rất cao. Cơ quan y tế Tây Australia cảnh báo người dân không nên chạm hoặc nhặt viên nang này lên nếu gặp phải. Các chuyên gia cho rằng rủi ro bị nhiễm độc phóng xạ khi cách một khoảng xa tương đối thấp nhưng nếu tiếp xúc gần, tổn thương sẽ rất nặng nề.

“Phần da và mô tiếp xúc sẽ đỏ lên. Trong trường hợp nặng, khu vực này còn có thể lở loét và gây chết tế bào. Nếu có người nuốt phải, phần ruột của họ sẽ bị xuất huyết hay lở loét và gây ra những biến chứng nghiêm trọng”, Giáo sư Dale Bailey tại Đại học Sydney cho biết.

Do đó, Sở Cứu hỏa và Cấp cứu bang Tây Australia (DFES) đã ban hành báo động rủi ro phóng xạ tại các khu vực Pilbara, Midwest Gascoyne, Goldfields-Midlands và thành phố Perth trong suốt nhiều ngày. Cơ quan kêu gọi người dân nếu phát hiện viên nang, cần tránh xa ít nhất 5 m và cần liên hệ ngay với các dịch vụ khẩn cấp.

Công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn

Song, công tác tìm kiếm viên nang tí hon này là việc không hề dễ dàng. Cảnh sát Tây Australia cho biết không hề có bằng chứng cho thấy có hành vi phạm tội trên suốt quãng đường và dù người xấu có đánh cắp viên nang, họ cũng không thể sử dụng nó cho các vũ khí quân sự.

Vien phong xa mat tich anh 2

Viên nang chứa chất phóng xạ có kích thước rất nhỏ, chỉ 6 mm x 8 mm. Ảnh: Sở Cứu hỏa và Cấp cứu bang Tây Australia.

Khi mở ra kiểm tra vào hôm 25/1, các nhân viên phát hiện hộp đựng đã bị gãy và toàn bộ bu lông, ốc vít dùng để cố định hộp cũng biến mất. Do đó, các nhà chức trách cho rằng viên nang đã bị thất lạc trên đường đi.

Theo công ty khai thác mỏ Rio Tinto, rung lắc trong lúc xe tải di chuyển đã làm các vít, chốt bị lỏng và bung ra. Sau đó, viên nang có thể đã lọt vào khe hở trên sàn xe tải và rơi xuống đường.

May mắn là đường đi rất vắng vẻ nên khả năng có người vô tình nhặt phải là rất thấp. Song, điều gây khó khăn cho công tác tìm kiếm hơn cả là tổng độ dài quãng đường kéo dài lên đến 1.400 km trong khi viên nang chỉ có đường kính 6 mm và cao 8 mm.

DFES đã gửi một đội tìm kiếm đến khu vực này để lục soát toàn bộ cao tốc mà xe tải đã đi qua bằng bộ dò bức xạ. Nhóm tìm kiếm này di chuyển với tốc độ chậm 50 km/giờ nên ước tính sẽ phải mất gần 5 ngày mới hoàn thành quãng đường 1.400 km mà xe tải đã đi qua.

Vien phong xa mat tich anh 3Vien phong xa mat tich anh 4

Cơ quan chức năng đã cảnh báo người dân không nên tiếp xúc trực tiếp nếu thấy viên nang thất lạc, đồng thời ra sức tìm kiếm bằng máy dò phóng xạ. Ảnh: AP, Sở Cứu hỏa và Cấp cứu bang Tây Australia.

Đại diện của DFES cho biết chính quyền liên bang đã hỗ trợ vật tư để tìm kiếm viên nang mất tích. “Chúng tôi sẽ không thể tìm ra nó chỉ với mắt thường”, sĩ quan Darryl Ray nói.

Nói về vấn đề này, hãng khai khoáng Rio Tinto bày tỏ sự xin lỗi. “Chúng tôi cho rằng đây là một sự cố rất nghiêm trọng và rất xin lỗi vì cảnh báo nguy hiểm phải đưa ra với người dân Tây Australia khi đánh mất viên phóng xạ”, CEO Simon Trott nói.

Trong khi đó, hãng vận tải SGS SA mà Rio Tinto ủy thác vận chuyển viên nang cũng hỗ trợ chính quyền trong việc tìm kiếm. Họ cho biết Rio Tinto đã thuê họ đóng gói viên nang chứa chất phóng xạ này một cách an toàn ở khu mỏ và nhận hàng ở thành phố Perth nhưng họ không vận chuyển nó. Việc vận chuyển do một đơn vị vận tải chuyên dụng khác thực hiện.

Những nhà khoa học tiên phong

"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.

Thúy Liên

Theo: ZINGNEWS.VN


Khoa học Công nghệ (Tin trước)