Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Cuộc cách mạng sắp đến của ngành công nghiệp ăn uống Mỹ

31/01/2023 (11:54:24)

Hàng loạt "ông lớn" thức ăn nhanh tại Mỹ đang có kế hoạch nhân rộng mô hình cửa hàng chỉ bán đồ ăn mang về để tiết kiệm chi phí, cũng như đáp ứng thị hiếu mới của người tiêu dùng.

Cửa hàng chỉ bán mang về đang là lĩnh vực mà các chuỗi đồ ăn nhanh tại Mỹ mong muốn phát triển. Đồ họa: Wall Street Journal.

Tháng 12/2022, McDonald mở một cửa hàng mới ở ngoại ô thành phố Fort Worth, bang Texas, Mỹ. Cơ sở này hoàn toàn không có bàn ăn hay ghế ngồi. Thay vào đó, thức ăn sẽ được chuyển thẳng tới khách hàng - những người đã đặt hàng trước và chỉ lái xe đến lấy, theo Wall Street Journal.

Cửa hàng của McDonald không phải là trường hợp cá biệt. Các hệ thống đồ ăn nhanh lớn nhất nước Mỹ đang đua nhau xây dựng các “nhà hàng không bàn ghế” - nơi chỉ bán đồ ăn mang đi. Qua đó, họ đánh cược rằng xu thế mua đồ mang về - vốn được thúc đẩy sau đại dịch Covid-19 - sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Theo giới điều hành doanh nghiệp, mô hình mới này sẽ giúp họ cắt giảm chi phí, qua đó đạt được mức độ hiệu quả và có lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, nếu “ván cược” thất bại và người dùng không còn hứng thú với việc mua đồ về như hiện nay, đây sẽ là sự đầu tư sai lầm.

Thử nghiệm của McDonald

Bất chấp đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu mua đồ ăn mang về tại Mỹ vẫn ở mức cao. Trong năm 2022, 85% đơn đặt hàng đồ ăn nhanh ở xứ sở cờ hoa là để mang về, theo hãng nghiên cứu thị trường NPD Group.

Con số này thấp hơn kỷ lục 90% năm 2020, nhưng vẫn cao hơn nhiều tỷ lệ 76% trong các năm trước đại dịch. Trong khi đó, với các nhà hàng thông thường, tỷ lệ mang về năm 2022 là 33%, gần gấp đôi trước đại dịch.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 mới bùng phát, các chuỗi đồ ăn nhanh nhìn chung ứng phó tốt hơn các nhà hàng khác nhờ mô hình xe ô tô mua hàng trực tiếp (drive-through). Ví dụ, gần 95% trong số 13.435 cửa hàng McDonald tại Mỹ áp dụng mô hình này.

Trong năm 2020, mô hình drive-through chiếm tỷ trọng 90% trong các hoạt động kinh doanh của McDonald tại Mỹ, tăng mạnh so với khoảng hai phần ba trước đại dịch.

Cửa hàng tại Fort Worth là một trong những thử nghiệm của McDonald hướng đến tương lai. Đặc điểm nổi bật nhất của cơ sở này là hệ thống giao hàng tới ôtô tự động cho những người đặt qua mạng từ trước, nhờ vào băng chuyền và cánh tay robot. Ngoài ra, cửa hàng cũng có làn dành cho dịch vụ drive-through.

Nha hang khong ban ghe anh 1

"Nhà hàng không bàn ghế" của McDonald tại Fort Worth, Texas. Ảnh: McDonald.

Cơ sở này có diện tích bé hơn đáng kể các cửa hàng McDonald truyền thống. Bên trong hoàn toàn không có ghế ngồi hay khách hàng hay khu vui chơi cho trẻ em.

Ông Luis Silva, một khách hàng tại thành phố Arlington, Texas, cho rằng đây là ý tưởng thú vị. Nhưng ông hy vọng mô hình này không phát triển quá mạnh.

“Nó giống như một máy bán hàng khổng lồ vậy”, ông Silva nói. “Tôi yêu không khí (trong cửa hàng) và những người phục vụ chúng tôi. Tôi ghét thấy McDonald mất đi những yếu tố này”.

“Chúng tôi coi trọng không gian và tính cộng đồng mà các cửa hàng truyền thống tạo ra. Do đó, các nhà hàng phục vụ tại chỗ đang và sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong cách chúng tôi phục vụ cộng đồng”, McDonald tuyên bố.

Xu hướng lan rộng

Kể cả Starbucks, chuỗi cửa hàng tự định vị bản thân như “chốn đi về thứ ba” sau nhà và nơi làm việc, cũng dự đoán các cơ sở của họ sẽ có ít ghế hơn. Từ đầu tháng 7/2022 đến đầu tháng 10/2022, 72% doanh số bán hàng tại Mỹ của họ là mang về. Starbucks đang dự tính mở mới 400 cửa hàng chỉ bán mang về hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng.

“Đây là sự đảo ngược hoàn toàn so với trước đây, khi đa số hoạt động kinh doanh diễn ra trong cửa hàng”, ông Howard Schultz, Giám đốc điều hành tạm thời của Starbucks, nói.

Ông Schultz cho biết việc cửa hàng Starbucks phải phục vụ nhiều nhóm khách hàng một lúc, từ những người dùng tại chỗ, người mua mang về, người đặt hàng từ xa lẫn người sử dụng dịch vụ drive-through khiến khách hàng phải chờ lâu, dẫn đến mệt mỏi.

Thậm chí, đôi lúc các nhân viên cửa hàng phải tắt dịch vụ nhận đơn hàng qua ứng dụng do quá bận rộn, khiến doanh số bán hàng sụt giảm, cũng như có nguy cơ đẩy khách hàng về phía các đối thủ cạnh tranh.

Nha hang khong ban ghe anh 2

Một cửa hàng Starbuck tại quận Manhattan, New York (Mỹ). Ảnh: Wall Street Journal.

Starbucks đang tính đến việc xây dựng một số cửa hàng mới chỉ phục vụ bán mang đi. Trong ba năm tới, công ty này đặt mục tiêu xây dựng 700 cửa hàng mới tại Mỹ coi các tài xế drive-through là mục tiêu phục vụ chính. Theo kế hoạch, đến năm 2025, các cửa hàng truyền thống chỉ chiếm 54% số cửa hàng của công ty, thay vì 61% như hiện nay.

“Chúng tôi không nhất thiết phải để mọi cửa hàng làm mọi thứ cho mọi đối tượng”, bà Katie Young, Phó chủ tịch cấp cao về tăng trưởng toàn cầu và phát triển của Starbucks, nói.

Yum Brands, công ty sở hữu KFC và Taco Bell, cũng đang tính làm điều tương tự. Hồi tháng 12/2022, doanh nghiệp này thảo luận với các nhà đầu tư về khả năng xây dựng các cửa hàng Taco Bell với bốn làn xe drive-through, hay cửa hàng KFC chỉ có bếp mà không có ghế ngồi.

“Ngành công nghiệp có thể đang bước vào giai đoạn đòi hỏi đổi mới về hình thức triển khai để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hôm nay”, ông David Gibbs, Giám đốc điều hành của Yum Brands, nói.

Trong khi đó, chuỗi đồ ăn nhanh Chipotle đang thử nghiệm một số cửa hàng chỉ bán mang về - cơ sở đầu tiên được mở gần Học viện Quân sự Mỹ West Point. Theo bà Tabassum Zalotrawala, người đứng đầu bộ phận phát triển của Chipotle, mô hình này có thể cắt giảm chi phí.

“Bạn sẽ không cần cử lao động lau dọn nhà vệ sinh hay phòng ăn”, bà Zalotrawala nói.

Dù vậy, một số người vẫn muốn ngồi ăn cùng nhau. “Bạn cần suy nghĩ kỹ về địa điểm thiết lập các mô hình nhỏ hơn hoặc mô hình thay thế vì chúng không dành cho mọi người”, bà Zalotrawala bổ sung.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Việt Hà

Theo: ZINGNEWS.VN


Thế giới (Tin trước)