21/01/2023 (09:31:24)
Make Sunset muốn phun khí SO2 vào khí quyển để cản bức xạ chiếu xuống bề mặt Trái Đất, làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị cấm vì lo ngại hậu quả.
Họ cho rằng biện pháp này sẽ làm hạ nhiệt Trái Đất. Ảnh: Shutterstock. |
Theo Wall Street Journal, chính phủ Mexico mới đây đã hoãn vô thời hạn một dự án dùng các hạt năng lượng phản chiếu ánh sáng Mặt Trời chứa trong các khí cầu bay cao, được thả vào tầng bình lưu nhằm làm mát Trái Đất, đảo ngược tình trạng nóng lên toàn cầu.
Make Sunset, sáng lập bởi Luke Iseman là startup thực hiện thí nghiệm này. Công ty khởi nghiệp đã kêu gọi thành công 750.000 USD vốn với tham vọng bán “giải pháp làm lạnh” đến các công ty Mỹ. Nhà sáng lập nói rằng số tiền này sẽ được sử dụng để thả khí SO2 (lưu huỳnh dioxide) vào tầng bình lưu.
Ông cho rằng nếu một lượng lớn chất khí này nếu được đưa vào tầng bình nguyên, ánh sáng Mặt Trời sẽ bị phản xạ ngược trở lại và làm giảm nhiệt độ không khí xung quanh. Make Sunset khẳng định đây là “hệ thống làm mát”, giúp giải quyết hàng tấn khí CO2 thải ra toàn cầu mỗi năm.
Dự án này đã thả chiếc khí cầu bay cao đầu tiên vào năm 2022 và dự kiến thả thêm vào tháng 1/2023 ở bang Baja California Sur, Mexico. Tuy nhiên, các chuyên gia khí hậu lại cho rằng hiện vẫn chưa rõ những hợp chất được dùng trong phương pháp này sẽ có phản ứng với những chất có trong không khí hay không. Họ lo ngại về những hậu quả khôn lường của giải pháp dùng khí SO2.
Khí SO2 sẽ được khinh khí cầu mang vào khí quyển nhằm ngăn ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất. Ảnh: Wikipedia. |
Do đó, ngày 13/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường Mexico đã tuyên bố sẽ tạm dừng vô thời hạn dự án của công ty Make Sunset. Không chỉ vậy, mọi dự án liên quan đến geoengineer (làm lạnh Trái Đất) cũng bị cấm tại quốc gia này vì hiện vẫn chưa có công ước quốc tế nào quy định cụ thể về những hoạt động tương tự.
Năm 2010, các đại biểu tham gia Công ước về Đa dạng sinh học, trong đó có Mexico, đã thỏa thuận sẽ tạm hoãn các hoạt động làm mát Trái Đất bao gồm cả những nghiên cứu ở quy mô nhỏ.
“Tôi hy vọng sẽ có cuộc đối thoại giữa hai bên. Tôi rất bất ngờ trước phản ứng và quyết định quyết liệt của chính phủ”, nhà sáng lập Make Sunset nói. Trên thực tế, công ty của Iseman chưa xin phép chính quyền địa phương hay tham khảo ý kiến người dân về thí nghiệm của mình.
Nói với Wall Street Journal, Iseman cho biết anh đã thả một quả khí cầu mang vài gam khí SO2 hồi tháng 4 và lên kế hoạch thả thêm nhiều quả cầu với lượng khí lớn hơn trong tháng này.
Nhà sáng lập cho biết anh đã mua những chiếc khí cầu này trên sàn thương mại điện tử và mua khí SO2 từ đại lý bán vật tư công nghiệp. Do đó, khi nghe tin dự án bị hoãn vô thời hạn, Iseman đã rất thất vọng với chính phủ nhưng vẫn đành chấp nhận hủy bỏ công sức của mình theo yêu cầu từ chính quyền.
Iseman sáng lập dự án này vì cho rằng các chính phủ vẫn đang ì ạch và chậm chạp với những hoạt động vì khí hậu toàn cầu. Ông đã tham khảo ý kiến của các nhà khoa học về dự án làm lạnh Trái Đất của mình nhưng sau đó đã quyết định thiết kế và tự lên kế hoạch.
Nhiều người trong số những nhà khoa học đó cho biết một lượng nhỏ khí SO2 thải ra tầng bình lưu bằng khí cầu sẽ không có nhiều tác dụng trong việc hạ nhiệt độ Trái Đất. Nhưng một số nhà khoa học cũng cho rằng kỹ thuật geoengineering sẽ có nhiều lợi ích nếu nghiên cứu được đầu tư và thực hiện đúng cách.
Make Sunset đã thả quả khí cầu đầu tiên hồi tháng 4/2022. Ảnh: Make Sunset. |
Theo Wall Street Journal, mặc dù được bàn luận rất nhiều, geoengineering vẫn là một lĩnh vực còn mới lại, chưa bao giờ được thực chứng bởi nguy cơ gây hại đến môi trường.
Một nghiên cứu của Đại học Harvard năm 2019 xuất bản trong tạp chí khoa học Nature Climate Change cho biết nếu sử dụng phương pháp phản xạ ánh mặt trời, tình trạng nóng lên toàn cầu có thể giảm đi một nửa. Song, đổi lại, lượng mưa ở một số vùng trên thế giới sẽ giảm thiểu đáng kể.
Tháng 3/2021, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ đã đề nghị chính phủ đầu tư 200 triệu USD vào chương trình nghiên cứu phương pháp làm mát Trái Đất, chấp nhận ý kiến phản hồi của người dân và giám sát gắt gao của chính quyền.
Tháng 4/2021, một thí nghiệm thả bóng ở Thụy Điển được thực hiện bởi Đại học Harvard và các nhà từ thiện đã bị hoãn vô thời hạn do sự phản đối của các tổ chức môi trường và người dân xung quanh.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.
Thúy Liên
Theo: ZINGNEWS.VN |