29/03/2023 (17:08:15)
Công trình bàn tay với cổ tay áo thắt nơ ở đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu) dấy lên nỗi lo cho vấn nạn các khu check-in mọc tràn lan, ảnh hưởng đến cảnh sắc thiên nhiên, giá trị văn hóa.
Công trình bàn tay với cổ tay áo thắt nơ ở đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu) gây tranh cãi. Ảnh: Nguyễn Thu Trang. |
Hôm 26/6, tài khoản Nguyễn Thu Trang chia sẻ hình ảnh công trình bàn tay đang xây dựng dở tại đỉnh đèo Ô Quy Hồ trên mạng xã hội.
"Giữa đỉnh đèo Ô Quý Hồ, một trong tứ đại đỉnh đèo đẹp nhất, đáng tự hào nhất của đất nước mà bây giờ lem nhem như thế này sao?", trích dẫn nội dung chia sẻ trên mạng xã hội của người này.
Dưới bài viết của du khách này, nhiều người cũng đồng quan điểm phản đối, cho rằng công trường đang xây dựng gây mất vệ sinh, dây bẩn ra các khu vực xung quanh. Các hình thù đang xây dựng không hợp với cảnh quan.
Đèo Ô Quy Hồ thuộc tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, nằm ở độ cao 2.047 m so với mực nước biển. Địa điểm nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất ở vùng núi phía Bắc.
Ông Trần Đức Long, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lai Châu, cho biết nhiều nơi cũng xây dựng tượng Phật, bàn tay Phật và thu hút du khách. Công trình tay tiên không ảnh hưởng đến vấn đề bảo tồn văn hóa do nhiều người Việt theo đạo Phật. Tuy nhiên, công trình này đôi phần ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
"Công trình nào xây dựng cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nếu không biết cách điều tiết sẽ gây hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, dự án này được thẩm định bởi cơ quan chức năng, nên được đảm bảo về tính an toàn hơn, chưa gây tổn hại nặng nề gì đến núi rừng Lai Châu", ông cho biết.
Công trình hình bàn tay nhận được nhiều đánh giá trái chiều, một số cho rằng không phù hợp cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Ảnh: Nguyễn Thu Trang. |
Về vấn đề thẩm mỹ, ông Hùng cho biết nhiều người đi qua thấy chưa hài hòa, phản cảm, nhưng giờ dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nên giờ chưa nhận xét được. "Hãy cứ chờ xem công trình đến đâu đã", ông nói.
Nhận xét về công trình bàn tay đang xây dựng thuộc dự án khu du lịch sinh thái đèo Ô Quy Hồ, ông Tiến Đạt, CEO AZA Travel, cho biết công trình này có hình ảnh và vị trí không phù hợp.
"Bàn tay đặt ở vị trí tương đối nhạy cảm, không mang tính văn hóa địa phương. Khu vực đèo Ô Quy Hồ là địa điểm nổi tiếng với nhiều thắng cảnh thiên nhiên quốc gia, hình ảnh với các đèo cao, tạo nên hình ảnh hoang sơ. Do đó, cần có biểu tượng đặc trưng, mang tính dân tộc hơn", ông Đạt nhận định.
Theo vị này, trào lưu chủ đầu tư tạo điểm check-in để thu hút khách đã có từ lâu và không phải vấn đề xấu.
"Hiện nay, nhờ sự phát triển của mạng xã hội, du khách có nhu cầu check-in rất phổ biến. Tuy nhiên, địa phương và chủ đầu tư cần phát triển có quy hoạch bài bản, đảm bảo tính thẩm mỹ kỹ càng", vị này cho biết.
Những công trình không đảm bảo tính thẩm mỹ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chủ đầu tư cũng như hình ảnh du lịch địa phương. Xây dựng một công trình tốn rất nhiều nguồn lực xã hội. Tác phẩm xấu, phản cảm, không thu hút khách đến check-in nếu có đập đi cũng để lại đống ngổn ngang.
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, công trình bàn tay đang xây dựng thuộc dự án khu du lịch sinh thái đèo Ô Quy Hồ, đỉnh đèo Hoàng Liên. Dự án được thẩm định bởi cơ quan chuyên môn và sở xây dựng. Hiện công trình đang nằm trong giai đoạn 2 của quá trình đầu tư và xây dựng, chưa hoàn thiện.
"Một số ý kiến cho rằng nó không phù hợp với giá trị văn hóa bản địa. Tuy nhiên công trình đang trong quá trình xây dựng. Sự hài hòa về không gian và môi trường còn phụ thuộc vào quá trình xây dựng và đầu tư tạo cảnh quan. Điểm du lịch này cần thêm thời gian hoàn thiện dự án", ông cho biết.
Lai Châu đẩy mạnh dịch vụ trải nghiệm du lịch mạo hiểm. Ảnh: Nhật Minh. |
Ông Hùng cho biết theo nghị định 113/2020/NĐ-CP về thẩm định thiết kế xây dựng, công trình không vi phạm về giá trị thẩm mỹ, văn hóa. Công trình tay tiên chỉ là một hạng mục thuộc dự án đã được thẩm định.
"Bây giờ mới lên một hình ảnh đó, sau còn có các kế hoạch nữa. Công trình này chưa có gì đi ngược với văn hóa cả", ông Hùng nhận định.
Tỉnh Lai Châu xác định mục tiêu tất cả hoạt động phát triển du lịch phải đảm bảo phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và đi theo đúng tiêu chí nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Lai Châu.
"Lai Châu có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và khai thác lợi thế bản sắc văn hóa. Trong tương lai, Lai Châu đẩy mạnh du lịch mạo hiểm như dù lượn, leo núi", ông Hùng nói.
Đồng thời, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu nhấn mạnh tất cả các hạ tầng du lịch hiện nay đang xây dựng đều được quản lý bởi cơ quan có thẩm quyền đầu tư và xây dựng.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.
Thu Trang
Theo: ZINGNEWS.VN |