13/12/2022 (23:37:11)
Sam Bankman-Fried vừa bị bắt ở Bahamas, một ngày trước khi cựu CEO của FTX dự kiến ra điều trần trước ủy ban Hạ viện Mỹ về sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử.
Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập sàn FTX, mới đây đã bị bắt tại Bahamas vì các tội danh gian lận và rửa tiền. Ảnh: Wall Street Journal |
Người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried đã bị bắt tại Bahamas, sau khi doanh nghiệp từng là con cưng của ngành công nghiệp tiền điện tử nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào giữa tháng 11.
Việc bắt giữ Bankman-Fried là động thái cụ thể đầu tiên của các cơ quan quản lý nhằm buộc cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm sau thảm họa FTX khiến hàng tỷ USD tiền số bốc hơi vào tháng trước.
Sự sụp đổ của FTX đã khiến hàng triệu chủ nợ không còn tiền và được đánh giá là một trong những vụ phá sản doanh nghiệp lớn nhất mọi thời đại.
Việc bắt giữ Sam Bankman-Fried được thực hiện sau khi công tố viên liên bang của Tòa án khu vực Quận Nam New York (SDNY) chia sẻ một bản cáo trạng được niêm phong với chính phủ Bahamas, tạo tiền đề cho việc dẫn độ và xét xử tỷ phú tiền điện tử một thời diễn ra tại Mỹ.
“Chúng tôi dự kiến tiến hành hủy niêm phong bản cáo trạng vào buổi sáng và sẽ có nhiều điều để nói vào thời điểm đó”, Guardian dẫn tuyên bố của SDNY vào ngày 12/12.
Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) sau đó cho biết họ đã “cho phép đệ trình công khai các cáo buộc riêng biệt liên quan đến việc (Bankman-Fried bị cho là) vi phạm luật chứng khoán vào ngày 13/12 tại SDNY”.
Trước đó, nhà sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX đã bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra về vụ phá sản đột ngột của FTX. Công ty từng được định giá 32 tỷ USD nhưng đã nộp đơn xin phá sản vào ngày 11/11 sau khi không đủ khả năng trả nợ khách hàng. Nhiều khách hàng của FTX bị mất toàn bộ tài sản gửi trên sàn giao dịch này.
Các cáo buộc chống lại Bankman-Fried hiện bao gồm gian lận ngân hàng, âm mưu gian lận ngân hàng, gian lận chứng khoán, âm mưu gian lận chứng khoán và rửa tiền, theo nguồn tin của New York Times.
Những tuyên bố mới sẽ cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về những gì Bankman-Fried sẽ phải đối mặt nếu và khi bị dẫn độ sang Mỹ.
Theo báo cáo, Bankman-Fried đã tuân thủ theo yêu cầu của cảnh sát trong quá trình bắt giữ.
Tổng chưởng lý Bahamas Ryan Pinder cho biết Mỹ đã đệ trình các cáo buộc hình sự không xác định với Sam Bankman-Fried, đồng thời yêu cầu dẫn độ người đàn ông này.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa rõ khi nào nhà sáng lập sàn FTX sẽ bị dẫn độ sang Mỹ. Mỹ có một hiệp ước dẫn độ với Bahamas cho phép nước này yêu cầu dẫn độ, nhưng có khả năng sẽ phải trải qua một số rào cản pháp lý trước khi điều đó xảy ra.
New York Times đưa tin có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn nếu Bankman-Fried phản đối việc dẫn độ. Tuy nhiên, tới nay, nhà sáng lập FTX vẫn đang thể hiện sự hợp tác với chính quyền
Bankman-Fried sẽ phải hầu tòa vào sáng 13/12 tại Bahamas (theo giờ địa phương), sau khi qua đêm trong phòng giam của cảnh sát. Việc nhà sáng lập FTX có được tại ngoại trong khi chờ dẫn độ hay không sẽ là một trong những câu hỏi có thể được trả lời tại đây.
Theo Reuters, Bankman-Fried cũng dự kiến làm chứng từ xa tại phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào ngày 13/12.
Theo CNBC, Sam Bankman-Fried từng xuất hiện trên phương tiện truyền thông và cập nhật trên Twitter về việc FTX phá sản hồi tháng trước, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên các nhà lập pháp Mỹ có cơ hội nghe điều trần về những ngày cuối cùng đầy hỗn loạn tại sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố, dân biểu Maxine Waters, chủ tịch ủy ban cho biết bà rất thất vọng khi Bankman-Fried không xuất hiện tại phiên điều trần.
“Mặc dù ông Bankman-Fried rõ ràng phải chịu trách nhiệm, công chúng Mỹ xứng đáng được nghe trực tiếp từ ông về những hành động đã gây thiệt hại cho hơn một triệu người và lấy đi số tiền tiết kiệm cả đời của rất nhiều người”, bà nói.
“Công chúng đã chờ đợi để có được câu trả lời dưới sự tuyên thệ trước Quốc hội. Tuy nhiên, thời điểm bắt giữ đã ảnh hưởng đến cơ hội này”, bà cho hay.
Một trong những phần khó hiểu nhất của câu chuyện là trước đó, Bankman-Fried từng xuất hiện trước giới truyền thông và công chúng để nói về những gì xảy ra với FTX - động thái dường như đi ngược lại lời khuyên mà hầu hết luật sư sẽ đưa ra.
Đó là một trong những câu hỏi chắc chắn sẽ được các nhà lập pháp Mỹ nêu ra trong phiên điều trần sắp tới.
Giám đốc điều hành mới của FTX, John Ray III, dự kiến cũng xuất hiện. Ông gọi FTX là “sự thất bại hoàn toàn và chưa từng có”, điều mà ông chưa từng chứng kiến trong sự nghiệp 40 năm của mình.
Quá trình của FTX phá sản đang diễn ra khi Bankman-Fried bị bắt giữ. Ước tính sàn giao dịch đã sụp đổ có hơn một triệu "chủ nợ", những người đã bị mất tài sản khi gửi trên FTX.
Trong nhiều lần xuất hiện trước công chúng kể từ khi FTX sụp đổ, Bankman-Fried đã nói về việc giúp đỡ khách hàng và tìm cách hoàn trả cho họ những khoản lỗ đầu tư.
Vụ việc cũng gây lo ngại cho các nhà đầu tư đang có tài sản trên các sàn giao dịch tiền số tập trung khác, dẫn đến rút tài sản hàng loạt.
Tháng 11, các nhà đầu tư đã rút hơn 91.000 Bitcoin từ các sàn giao dịch tập trung bao gồm Binance, Kraken và Coinbase. Tổng giá trị số Bitcoin này vào khoảng 1,5 tỷ USD, tính theo mức giá Bitcoin trung bình trong tháng 11 vào khoảng 16.400 USD.
Đây là dòng chảy Bitcoin lớn nhất được ghi nhận, theo dữ liệu từ CryptoSwap. Không rõ liệu các đồng tiền này đang được bán hay được lưu trữ trong ví cá nhân. Giá Bitcoin đã giảm 64% trong năm nay và hiện giao dịch quanh mức 17.000 USD.
Các sàn giao dịch tập trung như Binance, Coinbase vẫn đang tìm cách phân biệt mình với FTX, chẳng hạn bằng cách hứa hẹn về bằng chứng thanh khoản, nhằm xoa dịu sự lo lắng của khách hàng và hạn chế "hiệu ứng domino" trong thị trường tiền điện tử. Tuy vậy, lượng rút Bitcoin kỷ lục gần đây cho thấy các nhà đầu tư đang mất niềm tin với các sàn giao dịch và tỏ ra thận trọng.
Minh An
Theo: ZINGNEWS.VN |