28/11/2022 (20:33:23)
Chủ tịch EuroCham Alain Cany ngày 28/11 nói rằng Liên minh châu Âu và Ủy ban châu Âu sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi kinh tế xanh và thực hiện cam kết khí hậu.
Ông Virginijus Sinkevičius - Cao ủy Ủy ban châu Âu về Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp. Ảnh: Trần Hoàng. |
Phát biểu tại phiên khai mạc “Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022” của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) sáng 28/11, với sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Cany nói rằng “Việt Nam chỉ có thể đạt được quá trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ thông qua quá trình chuyển đổi toàn xã hội để định hình lại cách sống của mọi người và cách tiếp cận phát triển kinh tế”.
Để đạt được điều này, ông đề nghị chính phủ các nước châu Âu và Việt Nam, khu vực tư nhân và khu vực công phải hợp tác với nhau “lập tức và triệt để”.
Ông hoan nghênh sự tham dự của ông Virginijus Sinkevičius - Cao ủy Ủy ban châu Âu về Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp. Chủ tịch EuroCham tin rằng sự có mặt của ông Sinkevičius tại sự kiện là một dấu hiệu rõ ràng rằng Liên minh châu Âu và Ủy ban châu Âu “hoàn toàn cống hiến cho tầm nhìn của Việt Nam về một tương lai sạch, xanh và bền vững”.
Tiếp lời ông Cany, ông Sinkevičius đề cập đến một số kế hoạch mới nhằm hỗ trợ Việt Nam, bao gồm kế hoạch hành động về nền kinh tế tuần hoàn mới; chiến lược đa dạng sinh học mới; chiến lược về thực phẩm bền vững; kế hoạch hành động không ô nhiễm không khí, nước và đất; và chiến lược hóa chất mới.
“Để thực hiện những chiến lược này, chúng tôi đang đề xuất luật mới trong các lĩnh vực như chống phá rừng, phục hồi thiên nhiên, pin và thiết kế sinh thái”, ông nói rõ. “Kết hợp lại với nhau, các chiến lược và công cụ này sẽ giúp mang lại quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh, đồng thời đưa chúng ta hướng tới một nền kinh tế tái tạo hơn”
Ông cho biết để hỗ trợ việc thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020, tài chính đa dạng sinh học phải được mở rộng từ moij nguồn (công và tư, trong nước và quốc tế). Vì vậy, “EU sẽ tăng gấp đôi nguồn tài trợ bên ngoài cho đa dạng sinh học lên 7 tỷ euro trong giai đoạn 2021-2027”, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng quan chức Việt Nam và lãnh đạo Eurocham cắt băng khai mạc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022, ngày 28/11, ở TP.HCM. Ảnh: Trần Hoàng. |
Bên cạnh đó, ông kêu gọi huy động tốt hơn các nguồn lực trong nước, nhà tài trợ tư nhân và tổ chức tài chính, chẳng hạn như các ngân hàng phát triển đa phương. Các khoản trợ cấp có hại cho đa dạng sinh học tồn tại ở tất cả quốc gia phải được loại bỏ hoặc chuyển hướng.
Ông cũng tái khẳng định châu Âu “cam kết sâu sắc xây dựng quan hệ đối tác quốc tế mạnh mẽ, để tạo điều kiện thuận lợi và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh”, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý với các quan chức châu Âu rằng “chống biến đổi khí hậu không phải công việc của một quốc gia, mà cần sự đoàn kết, thống nhất toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế”.
“Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số là yêu cầu khách quan của sự phát triển trên thế giới hiện nay, với mục tiêu hòa bình hợp tác phát triển của quốc gia”, thủ tướng nói thêm, nhấn mạnh định hướng của Việt Nam trong việc "xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế, với đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy với các nước”.
Thủ tướng nhắc lại cam kết Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng các quốc gia xây dựng giảm phát thải khí methane, cũng như việc thúc đẩy ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư châu Âu đến Việt Nam, và từ Việt Nam sang châu Âu.
Vì vậy, thủ tướng nhấn mạnh với các quan chức châu Âu rằng Việt Nam khuyến khích đầu tư vào kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, mang lại lợi ích cho người dân; cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại GEFE 2022, ngày 28/11, ở TP.HCM. Ảnh: Trần Hoàng. |
“Việt Nam mong doanh nghiệp, tổ chức ở châu Âu hỗ trợ công nghệ tiên tiến, nguồn vốn xanh, giá thành hợp lý, cùng Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu phát triển… với tinh thần tất cả đều thắng, lợi ích hài hòa, chia sẻ rủi ro”, thủ tướng nói rõ.
Theo Eurocham, mục tiêu chính của GEFE là hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được nêu rõ trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Sự kiện sẽ chứng kiến các phiên đối thoại cấp cao giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp với chính phủ (B2G), cũng như hội tụ chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh và quản trị bền vững.
“Với sự tham gia của các quan chức chính phủ hàng đầu, diễn giả, người tham gia, doanh nghiệp và nhà tổ chức từ châu Âu và Việt Nam, hội nghị này mang đến cơ hội duy nhất để xây dựng hợp tác khí hậu toàn cầu có ý nghĩa cho Việt Nam và Châu Âu”, ông Cany nói.
“GEFE 2022 có thể và sẽ giúp đẩy nhanh quá trình này thông qua sức mạnh của quan hệ đối tác song phương của chúng ta”, ông nhấn mạnh.
Hồng Ngọc - Trần Hoàng
Theo: ZINGNEWS.VN |