06/02/2023 (10:03:12)
ChatGPT được đánh giá viết bài luận tiếng Anh “mượt mà”. Nhưng khi làm đề Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý của Việt Nam, ứng dụng này lại trả những kết quả kém.
ChatGPT làm đề thi môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý còn kém. Ảnh: iStock. |
Ra mắt vào cuối tháng 11/2022, ChatGPT đang trở thành cái tên gây chú ý trên toàn thế giới về khả năng viết và trả lời mọi câu hỏi của người dùng, từ những câu hỏi về kiến thức cơ bản cho đến những yêu cầu viết bình luận, đánh giá về một chủ đề cụ thể.
Sự “thông minh” của siêu ứng dụng do công ty OpenAI tạo ra đã khiến các học giả, nhà báo, nhà giáo dục lo ngại về những tác động của trí tuệ nhân tạo đối với con người, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều nhà giáo dục tại Mỹ, Canada, Australia lo lắng ChatGPT sẽ “dạy hư” học sinh, khiến các em gian lận và phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ.
Không riêng Mỹ, Canada hay Australia, các nhà giáo dục tại Việt Nam cũng bắt đầu quan tâm đến sự tác động của ChatGPT đối với việc học tập của học sinh. Zing đã thử cho ChatGPT làm một số câu hỏi môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và nhờ các giáo viên bộ môn nhận xét, đánh giá bài làm của siêu ứng dụng này.
Khi cho ChatGPT làm đề Ngữ văn, Zing yêu cầu ứng dụng viết đoạn văn ngắn phân tích 4 câu thơ đầu tiên trong bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh.
Chỉ sau khoảng 30 giây, một đoạn văn ngắn được hình thành, phân tích rõ ràng từng câu thơ, nhưng phần phân tích câu cuối còn bỏ dở, chưa hoàn thành.
Tuy nhiên, cách phân tích có phần đơn giản, khái quát, không phân tích sâu và có phần ngô nghê khi viết “Sông không hiểu nổi mình có thể thể hiện sự vô tư và không chịu trách nhiệm của con người trong cuộc sống, với chúng ta đôi lúc luôn theo dõi cuộc sống mà không hiểu rõ mục đích của mình”.
Sau đó, Zing bắt đầu đưa ra gợi ý “Đoạn thơ thể hiện trạng thái của sóng nhưng cũng chính là tiếng lòng của người con gái đang yêu”. ChatGPT ngay lập tức tạo ra đoạn văn mới theo chiều hướng được gợi ý.
Tiếp đó, Zing yêu cầu ChatGPT viết một đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải tôn trọng giá trị riêng của mỗi con người. Sau đó, Zing bỏ yêu cầu giới hạn 150 chữ, kết quả như sau:
Trao đổi với Zing, thầy Dương Minh, giáo viên Ngữ văn tại Hệ Thống Giáo Dục Everest, khá bất ngờ khi cả 2 bài văn được viết ra bởi AI đảm bảo được một số ý cơ bản, trả kết quả về đích thay vì đưa ra hàng triệu đường dẫn có liên quan như các ứng dụng khác.
Tuy nhiên, thầy Minh nhận xét ở bài nghị luận văn học, khi chưa nhận được gợi ý, câu văn khá lủng củng, không toát được "hồn" của câu thơ, không thể hiện được cảm xúc của người viết.
Ngoài ra, ChatGPT chỉ phân tích khái quát nội dung của câu mà không thể phân tích ý nghĩa từng từ ngữ trong câu hoặc biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong bài. Một số câu được phân tích khá ngô nghê, không đúng với ngữ cảnh.
Tuy nhiên, với bài viết được gợi ý, thầy Minh nhận xét đoạn văn được phân tích trọng tâm hơn, nêu được quy luật của sóng và biển, nhưng bài văn được viết ra vẫn đơn giản là giải thích nghĩa của câu, “giống như bài học thuộc". Nếu chấm điểm, bài viết chỉ đạt mức trung bình.
Thầy Minh cho rằng nếu gợi ý bổ sung một số thông tin về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, các biện pháp nghệ thuật… ChatGPT sẽ viết tốt hơn.
Trong khi đó, bài nghị luận xã hội của ChatGPT được thầy Minh đánh giá khá hơn, có thể đạt 6-7 điểm. Nội dung bài làm có phần tốt hơn so với khi phân tích câu thơ cụ thể, chỉ thiếu phần dẫn chứng. Tuy nhiên, nếu có thêm gợi ý, chắc chắn ứng dụng này có thể tạo ra một đoạn văn đầy đủ.
“ChatGPT có vẻ hiểu đề văn nghị luận xã hội hơn. Có thể, hạn chế về dữ liệu khiến ứng dụng này gặp khó khăn khi phân tích một tác phẩm cụ thể của Việt Nam. Ngoài ra, ngôn ngữ hiện là rào cản của ChatGPT khi dữ liệu được cập nhật chưa thể phân tích kỹ được các từ tiếng Việt”, thầy Minh nhận xét và nói thêm nếu được sử dụng, người dùng phải kiểm tra lại thông tin do ứng dụng viết ra.
Theo thầy Minh, nếu sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ, nó sẽ phát huy được khả năng của học sinh, thậm chí cả giáo viên. Học sinh, giáo viên có thể xem ChatGPT giống như Google - là một kênh để tham khảo.
Thầy Minh khẳng định công nghệ này khó có thể thay thế vai trò, vị trí của giáo viên trong giáo dục. Thay vào đó, nó thúc đẩy giáo viên phải cập nhật, ứng dụng công nghệ sáng tạo trong giảng dạy.
“Giáo viên không nên cấm các em sử dụng phần mềm này. Thay vào đó, thầy cô nên dạy các em cách sử dụng chúng một cách văn minh, không nên kìm hãm sự tiến bộ mà hãy dùng nó để tiến bộ hơn", thầy Minh nói.
Đối với môn học Địa lý, Zing đã đặt 3 câu hỏi ngẫu nhiên liên quan chương trình địa lý Việt Nam lớp 12 để ChatGPT trả lời, bao gồm: “Trình bày đặc điểm các vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam?”, “Tại sao Đông Nam Bộ phải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển?”, và “Sự phân bố dân cư của Việt Nam như thế nào?”
Đáp án Zing nhận được từ siêu ứng dụng này như sau.
Đọc các đáp án trên của ChatGPT, thầy Nguyễn Xuân Sáng, giáo viên môn Địa lý, trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước), đã chấm cho chatbot này mức điểm dưới trung bình (dưới 5/10 điểm). Thậm chí, thầy Sáng còn chấm 0 điểm cho phần trả lời trong câu hỏi trình bày đặc điểm các vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam của ChatGPT.
“Hầu hết đáp án về địa lý Việt Nam của công cụ AI này đều rất hời hợt, không trọng tâm vào câu hỏi và nội dung trả lời cũng chưa hoàn toàn chính xác, có câu còn trả lời sai hoàn toàn. Nếu học sinh dựa vào những đáp án này để trả lời câu hỏi của giáo viên, chắc chắn các em sẽ nhận mức điểm dưới trung bình”, thầy Sáng nói.
Thầy Sáng nhận xét ChatGPT không thể trả lời đúng nội dung kiến thức của chương trình Địa lý Việt Nam lớp 12. Bên cạnh đó, công cụ AI này cũng sử dụng không chính xác các từ ngữ chuyên môn liên quan địa lý Việt Nam.
Cụ thể, đối với câu hỏi “Sự phân bố dân cư của Việt Nam như thế nào?”, thầy Sáng cho biết đáp án “Việt Nam có một số phân bố dân cư đa dạng về địa lý và kinh tế” của ChatGPT là không chính xác. Đáp án đúng của câu hỏi này là “sự phân bố dân cư của Việt Nam chưa hợp lý và không đồng đều”.
Ở câu hỏi “Trình bày đặc điểm các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam?”, ChatGPT cũng trả lời hoàn toàn sai. Thay vì xác định Việt Nam có 4 vùng kinh tế trọng điểm, bao gồm vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, chatbot này lại xác định “vùng kinh tế trọng điểm” là TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh, Vũng Tàu.
“Theo tôi, với sự trả lời hời hợt, ngô nghê và thiếu chính xác như trên, ChatGPT sẽ khó ‘thuyết phục’ những học sinh có năng lực tốt sử dụng. Các em hoàn toàn có thể tự đọc và học các nội dung trong sách giáo khoa để tìm câu trả lời chính xác nhất mà không cần sử dụng công cụ AI này để nắm các kiến thức về chương trình Địa lý Việt Nam lớp 12”, thầy Sáng nhấn mạnh.
Với môn Lịch sử, Zing cho ChatGPT trích một số câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT cho ChatGPT làm thử. Câu hỏi đầu tiên là “Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp (1945-1954), kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi có điểm khác biệt nào so với kế hoạch Rơve?”. ChatGPT trả lời như sau.
Thầy Phạm Văn Giềng, giáo viên môn Lịch sử tại trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa (Hà Nội), chấm cho ChatGPT 0/10 điểm. Thầy chỉ ra các lỗi sai trong câu trả lời này như không có kế hoạch nào tên là “Đờ La Đổ Ta Chính Hiệp”. Từ lỗi sai này, các nội dung trong câu trả lời sau đó đều chưa chính xác.
Khi nói về kế hoạch Rơve, chatbot này nêu rằng: “Kế hoạch Rơve, trái lại, được thiết lập năm 1947 và nhấn mạnh sự tập trung vào việc xây dựng một lực lượng quân đủ mạnh và đàn áp trực tiếp vào nền tảng của đối tượng để giải quyết cuộc chiến”. Thầy Giềng nói rằng phần trả lời này lủng củng, không chính xác.
Nhận xét phần kết luận trong câu trả lời này của ChatGPT, thầy Giềng nói khả năng phân tích, nhận biết của ChatGPT gặp vấn đề nên tất cả nội dung đều chưa đúng.
Tiếp đến, Zing yêu cầu ChatGPT trả lời câu hỏi “Đâu là nguyên nhân khách quan dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam?” và nhận được đáp án như sau.
Với phần trả lời này, thầy Phạm Văn Giềng cũng chấm cho ChatGPT 0/10 điểm vì trả lời sai toàn bộ. Không chỉ trả lời sai thông tin lịch sử như “sự hỗ trợ từ nước ngoài”, “ưu thế chiến lược”, “sự thành công của chiến dịch tấn công Hội An”, ChatGPT còn sử dụng nhiều từ ngữ thiếu chính xác như “sự chung thủy”, “sự đồng đại”...
Ở một câu trả lời khác, ChatGPT được thầy Giềng chấm 3/10 điểm. Cụ thể, Zing yêu cầu chatbot giải đề: “Nêu bản chất của toàn cầu hóa và những biểu hiệu chủ yếu của xu thế toàn cầu hóa. Vì sao toàn cầu hóa vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các nước đang phát triển?”. Siêu ứng dụng này trả lời như sau.
Câu hỏi này ChatGPT trả lời khá dài nhưng không đủ ý theo barem điểm (chỉ đạt khoảng 50% ý đúng). Ở phần lý giải lý do, ChatGPT được thầy Giềng nhận xét là trả lời tốt nhưng chưa phân tích cụ thể thời cơ, thách thức đó là gì. Nó cũng chưa trả lời được tại sao đó là thời cơ và thách thức. Vì thế, câu trả lời không đạt yêu cầu, chỉ đạt 3/10 điểm.
Từ một số phần trả lời trên, thầy Phạm Văn Giềng rút ra được những lỗi cơ bản mà ChatGPT đang gặp phải khi làm đề môn Lịch sử là sử dụng từ ngữ không phù hợp, còn mắc lỗi chính tả, khả năng phân tích câu hỏi kém, nêu một số sự kiện lịch sử không có thật nên dẫn đến việc hiểu sai bản chất của vấn đề.
Là một giáo viên Lịch sử, thầy Giềng lo ngại việc học sinh lạm dụng ChatGPT có thể dẫn đến việc lười suy nghĩ, tư duy lịch sử. Nhìn chung, học sinh vẫn cần phải có kiến thức cơ bản và khả năng tư duy để chắt lọc, nhận thức đúng các sự kiện, nhất là các sự kiện liên quan lịch sử Việt Nam.
Nếu ChatGPT có thể cải thiện được những vấn đề nêu trên, thầy Giềng vẫn sẽ khuyến khích học sinh sử dụng nhưng cần phải có sự hướng dẫn cụ thể để các em thấy rõ vai trò của tư duy lịch sử trong nhận thức các sự kiện.
Tuy nhiên, trong thời điểm này, thầy giáo cho rằng học sinh chưa nên sử dụng ChatGPT trong học tập. Nếu sử dụng, các em chỉ nên coi đó là một công cụ tham khảo thứ cấp, chưa hoàn thiện. Tốt nhất, trẻ vẫn nên dựa vào sách giáo khoa hoặc các nguồn tài liệu chính thống.
“Chúng ta đang trải qua cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các công nghệ kỹ thuật số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT) ngày càng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. Đây là xu thế của thời đại nên tôi hy vọng ChatGPT sẽ được cải thiện để trở thành công cụ hữu ích, phục vụ các hoạt động dạy và học”, thầy Giềng nêu quan điểm.
Mục Giáo dục của Zing giới thiệu đến bạn những cuốn sách dạy trẻ về an toàn trên không gian mạng.
15 Bí kíp giúp tớ an toàn - Cẩm nang sử dụng Internet an toàn và hiệu quả (dành cho trẻ em): Cuốn sách này đề cập những bí kíp "nhỏ mà có võ", giúp trẻ phát huy những lợi thế của Internet, sử dụng các thiết bị kết nối Internet an toàn. Đồng thời, sách cũng hướng dẫn trẻ đối phó với những tình huống lừa đảo và tiêu cực trên mạng xã hội và Internet.
An toàn cho con - Luật Thiết bị công nghệ Giúp con an toàn trên thế giới mạng: Cuốn sách dạy trẻ biết làm gì trước những tình huống nhạy cảm với nội dung người lớn hay những đường dẫn đáng ngờ và dạy trẻ những việc cần làm để tránh những tình huống trên, ví dụ như không đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân hay tương tác với người lạ.
Thái An - Ngọc Bích - Nguyễn Hằng
Theo: ZINGNEWS.VN |