25/03/2023 (09:43:39)
Mức lương không phải yếu tố quyết định lựa chọn nghề nghiệp của nhiều nhân sự trẻ. Họ sẵn sàng chấp nhận thu nhập khá ít ỏi để trau dồi kinh nghiệm khi mới đi làm.
Nhiều nhân viên vẫn gắn bó với công việc lương thấp vì đa dạng lý do. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
“Tôi lương tháng 5 triệu đồng, đi làm vẫn cười suốt 8 tiếng” - đây là dòng chia sẻ vui trên mạng xã hội, nhưng mô tả chính xác tình trạng của Nguyễn Thúy Vy (25 tuổi) cách đây vài tháng.
Vy từng là nhân viên điều hành bưu cục toàn thời gian cho một công ty chuyển phát nhanh chi nhánh tỉnh Lâm Đồng với mức lương 5,2 triệu đồng/tháng, thu nhập chỉ đủ để cô và đồng nghiệp mua đồ ăn vặt và trà sữa mỗi khi đi làm. Dù vậy, chính sự thân thiết, vui vẻ giữa những người bạn đồng thế hệ đã giữ chân cô ở lại nơi này.
“Nếu không, có lẽ tôi đã nghỉ việc sớm hơn chứ không thể duy trì đến 4 tháng”, Vy nói với Zing.
Không ít bạn trẻ chấp nhận mức lương khiêm tốn khi mới đi làm. Nhiều người thừa nhận hy sinh thu nhập để học hỏi thêm ở công việc hiện tại. Cũng có nhân sự mới bắt đầu sự nghiệp nên được hỗ trợ tài chính từ gia đình. Hoặc như Thúy Vy, cô tìm thấy niềm vui từ các mối quan hệ công sở.
Theo thống kê của Adecco Việt Nam công bố đầu năm 2023, 57% người tham gia khảo sát cho rằng lương bổng là vấn đề được quan tâm hàng đầu khi tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng chiếm tỷ lệ cao.
Minh Đức được gia đình ủng hộ theo đuổi công việc hiện tại, dù mức lương khá khiêm tốn. |
30% người lao động kỳ vọng công việc cho phép họ cân bằng công việc - đời tư. 26% tìm kiếm công ty có đội ngũ nhân viên thân thiện, cởi mở. Ngoài ra, 30% khẳng định sẽ ưu tiên môi trường an toàn, thay vì nhận lương cao nhưng phải gắn bó với doanh nghiệp độc hại, gây áp lực thường xuyên.
Đầu năm 2023, Minh Đức (23 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) bắt đầu làm việc tại một đơn vị truyền thông. Dù mức thu nhập chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, anh không gặp nhiều khó khăn trong chi tiêu.
Sống cùng gia đình, Đức hầu như chưa cần bận tâm về các khoản sinh hoạt phí. Bên cạnh đó, anh cũng được gia đình ủng hộ theo đuổi công việc đúng sở trường và chuyên môn.
“Đây là công việc chính thức đầu tiên mà tôi có sau khi ra trường nên điều cần là kinh nghiệm và được học hỏi thêm”, Đức chia sẻ.
Dù vậy, chàng trai sinh năm 2000 cũng có chút chạnh lòng khi so sánh mức lương của mình với người cùng trang lứa. Anh nhiều lần phải từ chối những cuộc vui cùng đồng nghiệp hay bạn bè để hạn chế cảnh “rỗng ví”.
Thực tế, nguồn thu ít cũng gây ra không ít khó khăn cho Đức, như khi xảy ra tình huống bất ngờ hay bắt buộc phải sắm sửa gấp. Lúc này, anh buộc phải tìm đến sự hỗ trợ của người thân.
Về sau, nhằm hạn chế “xin xỏ”, Đức chủ động nhận thêm vài công việc freelance ngắn hạn.
“Ở thời điểm hiện tại, tôi vẫn sống thoải mái với mức thu nhập hạn chế. Dù vậy, tôi cũng phải chuẩn bị kế hoạch để thay đổi. Tôi hiểu rằng sự hỗ trợ từ gia đình khó kéo dài được mãi”, anh nói thêm.
Hồng Duy thừa nhận không thể gắn bó lâu dài với vị trí hiện tại. |
Tương tự, nửa năm qua, Thạch Hồng Duy (24 tuổi) làm trong lĩnh vực địa chính, thường xuyên đi các tỉnh, thành để đo đạc ranh giới đất đai và làm bản đồ.
Công việc này có mức lương 5,1 triệu đồng/tháng, chỉ đủ để anh lo các khoản chi tiêu cá nhân, bao gồm xăng xe và đi chơi, gặp gỡ bạn bè.
Dù nguồn thu nhập “không đủ sống”, Hồng Duy cho biết bố mẹ chưa từng phàn nàn hay đề nghị anh nhảy việc. Hiện chàng trai sinh năm 1999 đang sống cùng gia đình ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).
“Tôi không phải lo vấn đề thuê nhà hay ăn uống, chỉ cần đóng tiền điện, nước hàng tháng. Do đó, thu nhập cũng gọi là tạm đủ cho đam mê chạy xe và tụ tập bạn bè”, anh chia sẻ.
Bản thân Hồng Duy cũng khá hài lòng với công việc hiện tại. Là một người ưa di chuyển, anh không ngại việc phải thường xuyên đi lại giữa các địa phương để thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngành địa chính cũng chính là ngành nghề đào tạo tại đại học của anh.
Bên cạnh đó, khối lượng công việc không quá nặng nề, nhờ đó anh có thể làm thêm nghề tay trái dịch thuật và gõ văn bản. Công việc freelance này giúp anh “bỏ túi” thêm 1-3 triệu đồng/tháng.
Dù vậy, chàng trai không có ý định bám trụ với ngành nghề này lâu dài, một phần do môi trường làm việc “gò bó và ngột ngạt so với người trẻ Gen Z”. Hơn nữa, anh đặc biệt không thích “văn hóa nhậu” của nơi công sở.
“Tôi rất sợ các buổi nhậu nhẹt, đặc biệt vào dịp liên hoan, lễ Tết. Không uống thì khó xử, mà uống vào lại hại người”, anh nói.
Chia sẻ với Zing, Hồng Duy nói về dự định trở thành huấn luyện viên cá nhân (PT) - một nghề mà anh cho rằng vừa đem lại sức khỏe, vừa mang đến nguồn thu nhập cao hơn so với công việc hiện nay. Đã ấp ủ về dự định này một thời gian, anh hiện chuyên tâm luyện tập và học thêm về dinh dưỡng.
Khi bày tỏ nguyện vọng chuyển sang một ngành nghề hoàn toàn mới, gia đình anh kịch liệt phản đối. Tuy nhiên, Hồng Duy khẳng định không từ bỏ và sẽ tìm cách thuyết phục bố mẹ.
Với Thúy Vy, niềm vui lớn nhất khi làm ở công ty cũ là được gắn bó với đồng nghiệp thân thiết. |
Trong khi đó, Thúy Vy dùng 2 từ “nặng nề” và “căng thẳng” khi nói về thời gian làm việc ở bưu cục.
Cô phải đảm nhiệm cùng lúc nhiều đầu việc, từ soạn hợp đồng, lập bảng kê cho đến quản lý, điều phối gần 20 xe chở hàng. Cô thậm chí đã bị cận thị trong thời gian làm việc ở đây do nhìn màn hình máy tính liên tục.
Sau khi trừ các khoản chi phí công sở, Thúy Vy dùng số tiền còn lại để chi tiêu cho các khoản cá nhân khác, như xăng xe, mua sắm quần áo, giày dép hoặc đi chơi. Thời điểm đó, cô vẫn sống cùng gia đình nên không mất tiền thuê nhà, ăn uống.
“Khi nào hết tiền, tôi sẽ xin mẹ. Tôi quản lý tiền bạc khá tệ”, cô kể lại.
Sau hơn 4 tháng làm việc, cô đã nghỉ việc tại bưu cục và tìm công việc khác với mức lương cao hơn.
Hiện nay, Thúy Vy làm kế toán tại một quán cà phê kết hợp nông trại cừu tại Đà Lạt. Ngoài mức lương hơn 10 triệu đồng, cô sẽ được thưởng thêm tùy theo tình hình kinh doanh của quán.
Thu nhập hàng tháng của Thúy Vy khá dư dả cho cuộc sống một mình ở “thành phố sương mù”. Cô cho biết mình đã dọn ra ngoài sống riêng bởi nơi làm việc cách nhà cô khoảng 25 km. Cô cũng có kế hoạch cho các công việc kinh doanh cá nhân trong tương lai.
Dù vậy, nếu quay trở lại 2 năm trước, Thúy Vy cho biết cô vẫn sẽ tuyển dụng vào vị trí nhân viên điều hành bưu cục, bất chấp mức lương chỉ nhỉnh hơn 5 triệu đồng một chút.
“Mỗi công việc đều mang lại cho chúng ta kinh nghiệm nhất định. Tôi cũng sẽ không muốn bỏ lỡ cơ hội kết thân với những người đồng nghiệp dễ mến”, cô cho hay.
Thực tế, lương bổng không hẳn là lý do chính để giữ chân nhân sự. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Trao đổi với Zing, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán tại Đại học Bristol (Anh), Nguyên giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết có nhiều cách chia giai đoạn tài chính trong đời mỗi cá nhân.
Với đa số người có công việc làm công ăn lương bình thường, ông cho rằng có thể chia thành 4 giai đoạn: Bắt đầu có thu nhập, ổn định sự nghiệp, chuẩn bị nghỉ hưu và đã nghỉ hưu.
Ở thời điểm bắt đầu có thu nhập, hầu hết nhân sự đều trẻ tuổi, thu nhập khiêm tốn và ít có kinh nghiệm cùng sự quan tâm đến tài chính cá nhân.
“Lời khuyên của tôi cho các bạn trẻ đang ở giai đoạn 1 là hãy tập thói quen lên ngân sách hàng tháng, cố gắng cân bằng và bắt đầu tích lũy. Đây là những bước quan trọng tạo tiền đề để quản lý các giai đoạn sau hiệu quả”, tiến sĩ Tuấn cho hay.
Cũng chia tài chính thành nhiều giai đoạn theo độ tuổi, theo chuyên gia tài chính Mina Chung, nhà sáng lập Money With Mina, ở độ tuổi 25, là sinh viên mới ra trường, mới đi làm, mới bắt đầu sự nghiệp, một trong những khó khăn người trẻ phải đối diện là chưa biết cân đối giữa các nhu cầu tiết kiệm, đầu tư, quản lý chi phí thẻ tín dụng và trả nợ học tập.
Chuyên gia đưa ra 3 lời khuyên tài chính cơ bản, gồm:
Với riêng phụ nữ, bên cạnh việc đàm phán mức lương hợp lý để có cơ hội tăng trưởng tốt hơn về sau, còn có thể bắt đầu tìm hiểu các vấn đề bảo hiểm và bệnh có ở nữ giới.
Nếu dự định kết hôn và có con, hay gia đình có bệnh di truyền, thì điều này rất cần thiết. Các gói bảo hiểm với điều khoản bổ trợ phù hợp sẽ là “tấm lưới” giúp bạn bảo vệ sức khỏe và dòng tiền của mình. Tuy nhiên, vì đây là một kế hoạch lớn và phải thực hiện lâu dài mới hiệu quả, người suy nghĩ ngắn hạn chưa thích hợp tham gia.
Liệt kê các khoản chi tiêu, sinh hoạt phí là điều cần làm khi người trẻ hoạch định tài chính cá nhân. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Trong khi đó, theo lời khuyên của chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, nhà sáng lập và Chủ tịch Trường Quản trị Kinh doanh BizUni, dù có thu nhập ra sao, người trẻ đều cần tìm cách đạt đến trạng thái an toàn tài chính. Đây là mục tiêu thấp nhất, cơ bản nhất trong các việc hoạch định tài chính cá nhân.
Với người có của ăn của để, con đường đạt an toàn tài chính rất đơn giản. Tuy vậy, với các bạn trẻ mới bắt đầu sự nghiệp, chỉ sống vừa đủ dựa trên thu nhập hàng tháng, đây lại là một vấn đề nan giải.
Chuyên gia Chánh cho rằng để từng bước đạt được mục tiêu này, nhân sự nên thực hiện các bước sau:
“Khi bạn còn có thể lao động và minh mẫn trí óc, hãy tăng thu nhập bằng mọi cách, miễn là làm công việc lương thiện, chân chính.
Thế giới thời nay đem đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội để trải nghiệm công việc trong ngành, ngoài ngành. Quan trọng là chúng ta có nỗ lực hay không. Kiếm tiền nhiều nhất có thể là bước đầu tiên và quan trọng trong quản lý ngân sách cá nhân”, ông Chánh nói.
Chàng trai bỏ việc văn phòng đi viết sách
Từ năm 2014, khi tham gia một nhóm dành cho người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, Lê Kiên Trung (sinh năm 1993, Hà Nội) tìm thấy những mẩu chuyện và các lưu ý du lịch Việt Nam khá thú vị. Đến năm 2016, anh viết cuốn sách đầu tiên của mình mang tên The Hanoi Digest. Khi trình bày ý tưởng với cấp trên và nói rằng muốn được nghỉ việc, Trung bất ngờ nhận được sự ủng hộ. Điều này càng thôi thúc Trung phát triển cẩm nang du lịch cho người nước ngoài hơn, không chỉ là Hà Nội mà còn là TP.HCM, Hội An, Ninh Bình,...
Hồng Anh - Hồng Chang
Theo: ZINGNEWS.VN |