13/03/2023 (17:30:11)
5 trong số 11 nhà thầu xây lắp cao tốc Bến Lức - Long Thành khiếu nại phát sinh hơn 1.656 tỷ đồng, riêng 2 nhà thầu đã kiện chủ đầu tư ra Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành nối huyện Bến Lức, Long An với huyện Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Giám. |
Trong số 11 nhà thầu phụ trách gói xây lắp tại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, có 5 nhà thầu thực hiện gói J1, J3, A1, A3, A6 khiếu nại về chi phí phát sinh tổng hơn 1.656 tỷ đồng do dự án phải tạm ngừng, dừng chờ thi công…
Trong đó, có hai nhà thầu A1 và J3 đã khởi kiện chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ra Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore đòi bồi thường thiệt hại. Chi phí khiếu nại trên sẽ tiếp tục phát sinh nếu nguồn vốn chậm được bố trí thi công.
Chi phí khiếu nại được Tư vấn giám sát dự toán ở mức 841 tỷ đồng, còn Ban quản lý dự án (thuộc chủ đầu tư) đánh giá sơ bộ ở mức 710,2 tỷ đồng. Chi phí này chưa được xác định trong tổng mức đầu tư.
Trước đó, hồi năm 2019, dự án không được bố trí vốn đối ứng từ ngân sách để giải phóng mặt bằng. Hiệp định vay ADB cũng không được gia hạn do vướng thủ tục pháp lý trong nước. Việc này dẫn đến chủ đầu tư không có vốn thanh toán, dự án bị dừng giãn tiến độ, các nhà thầu dừng thi công từ giữa năm 2019.
Một nút giao thi công dang dở thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Hiện, chủ đầu tư khẩn trương xử lý hợp đồng với các nhà thầu, lựa chọn nhà thầu mới để triển khai thi công toàn bộ công trường. Trong bối cảnh tổng khối lượng thi công toàn tuyến đã đạt 81%, VEC đề xuất điều chỉnh thời gian đưa vào thông xe cao tốc đến ngày 30/9/2025.
Để tháo gỡ vướng mắc, theo VEC, Bộ GTVT đã có tờ trình trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, gồm điều chỉnh thời gian thực hiện đến 30/9/2025, gia hạn hiệp định vay lần 2 của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đến 31/12/2025.
Bộ cũng kiến nghị cho phép VEC sử dụng số vốn khoảng 5.116 tỷ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay, vốn hợp pháp của VEC để hoàn thành phần việc còn lại.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng nguồn thu phí do VEC quản lý là dòng tiền tạm thời nhàn rỗi khi VEC chưa trả nợ vay cho Nhà nước thuộc sở hữu của Nhà nước, không phải là nguồn vốn chủ sở hữu của VEC. Việc VEC tự bố trí từ nguồn vốn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để bố trí vốn đối ứng cho dự án khác là không phù hợp.
Theo VEC, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đang gặp vướng mắc rất lớn về thủ tục pháp lý. Nếu không được thông qua, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ tiếp tục bị dừng, giãn tiến độ, chưa thể xác định thời điểm hoàn thành do VEC không thể huy động được vốn vay nước ngoài. Trong khi chờ thủ tục bố trí vốn, VEC đang sử dụng nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để yêu cầu các nhà thầu tiếp tục thi công các gói thầu.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được Thủ tướng phê duyệt danh mục tại văn bản số 1795 ngày 5/10/2010 và được Bộ GTVT phê duyệt dự án ngày 31/12/2014.
Dự án có chiều dài khoảng 57,8 km với tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, gồm: Vốn vay ADB hơn 13.600 tỷ đồng; vốn JICA gần 12.000 tỷ đồng và vốn đối ứng hơn 5.689 tỷ đồng.
Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2019. Song, do gặp nhiều vướng mắc về cơ chế pháp lý, trong đó có thủ tục bố trí vốn, dự án phải dừng thi công từ giữa năm 2019.
Theo báo cáo của VEC, hiện dự án gồm 11 gói thầu xây lắp chính, sản lượng thi công đến nay đạt gần 79%.
Thư Trần
Theo: ZINGNEWS.VN |