05/02/2023 (15:28:29)
Sau hơn 50 năm, kỷ nguyên của dòng máy bay Boeing 747, được mệnh danh “Nữ hoàng bầu trời”, sắp khép lại.
Chiếc máy bay Boeing 747 cuối cùng được bàn giao cho hãng hàng không Atlas Air hôm 31/1. Ảnh: CNN. |
Theo CNN, chiếc máy bay 747 thương mại cuối cùng đã rời nhà máy Boeing ở Everett, Washington (Mỹ) trong tuần này để bàn giao cho hãng hàng không Atlas Air. Đây là chiếc thứ 1.574 và là chiếc cuối cùng, kết thúc hơn 50 năm hoạt động của dòng máy bay được mệnh danh “Nữ hoàng bầu trời”.
Công ty phân tích hàng không Cirium cho biết thế giới chỉ còn 44 chiếc máy bay chở khách thuộc dòng Boeing 747 đang hoạt động. Vào cuối năm 2019, con số này là 130, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, đặc biệt là trên các hành trình quốc tế chủ yếu sử dụng máy bay 747 và các máy bay thân rộng khác.
Hãng tin CNN tiết lộ hầu hết máy bay 747 đã bị “đắp chiếu” trong những tháng đầu đại dịch và không có cơ hội hoạt động trở lại. Toàn cầu hiện vẫn còn khoảng hơn 300 máy bay 747 phiên bản chở hàng đang hoạt động. Nhiều chiếc trong số này ban đầu được sử dụng làm máy bay chở khách trước khi được cải tạo thành máy bay chở hàng.
"Thời điểm trọng đại này là minh chứng cho các thế hệ nhân viên Boeing, những người đã mang đến sự sống cho chiếc máy bay làm khuynh đảo thế giới, đồng thời cách mạng hóa ngành du lịch và vận tải hàng không với tư cách là chiếc máy bay thân rộng đầu tiên. Thật tuyệt vời khi giao chiếc Boeing 747-8 cuối cùng này cho nhà khai thác lớn Atlas Air, nơi 'Nữ hoàng bầu trời' sẽ tiếp tục truyền cảm hứng và thúc đẩy sự đổi mới trong vận tải hàng không", Stan Deal, Giám đốc điều hành của Boeing Commercial Airplanes, nói trong một tuyên bố sau khi bàn giao chiếc Boeing 747 cuối cùng.
Chiếc Boeing 747 cuối cùng tại nhà máy trước khi được bàn giao cho Atlas Air vào đầu năm 2023. Ảnh: Boeing. |
Chiếc Boeing 747 đầu tiên cất cánh vào ngày 9/2 năm 1969, trước khi đi chính thức vào hoạt động với vai trò máy bay chở khách của hãng hàng không Pan American. Máy bay Boeing 747 đã làm nên cuộc cách mạng lớn trong ngành hàng không và chuyến bay này của hãng Pan American mở ra một kỷ nguyên mới cho vận chuyển hàng không và du lịch trên thế giới.
747 nhanh chóng trở thành máy bay yêu thích đối với mọi khách hàng. Nhà Trắng còn sử dụng một phiên bản của Boeing 747 để làm chuyên cơ Air Force One tháp tùng tổng thống. Những chiếc máy bay Air Force One đã được thiết kế để có thể bay trong điều kiện an ninh tồi tệ nhất và được chỉnh sửa để đáp ứng các mục đích về quân sự.
Phiên bản Boeing 747-200B được sửa đổi thành chiếc Air Force One (Không lực Một), chuyển giao cho Lực lượng Không quân Mỹ vào ngày 23/8/1990. Ảnh: Boeing. |
Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều hãng hàng không đã chọn thay thế những chiếc 747 chở khách của họ bằng những chiếc máy bay hai động cơ lớn hơn, tiên tiến hơn và hiệu quả hơn. United Airline và Delta Airline của Mỹ đã nói lời tạm biệt với dòng 747 từ nhiều năm trước, trong khi hãng hàng không Australia, Qantas Airways, và hãng bay Anh, British Airways, đã ngừng sử dụng Boeing 747 từ năm 2020.
British Airways đã thông báo sẽ cho đội máy bay Boeing 747 của mình nghỉ hưu trước thời hạn 4 năm. “Không có khả năng ‘Nữ hoàng bầu trời’ lộng lẫy của chúng tôi sẽ vận hành lại các dịch vụ thương mại cho British Airways do sự suy giảm du lịch do đại dịch toàn cầu Covid-19 gây ra”, đại diện hãng hàng không Anh cho biết.
Theo Cirium, có 171 phiên bản chở khách của 747 vẫn còn trong biên chế các đội bay trên khắp thế giới vào năm 2020, nhưng hầu hết đã bị đình chỉ hoạt động do Covid-19. Ảnh: Boeing. |
Được thiết kế vào cuối những năm 1960 để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, Boeing 747 đã mở ra kỷ nguyên của máy bay chở khách thân rộng với những ghế dài vô tận. Đây là chiếc máy bay đầu tiên có các thành bên gần như thẳng đứng và trần cao, mang lại cho hành khách cảm giác rộng rãi và thoáng đãng. Thay vì một ống dài và mỏng, các cabin được chia thành các "phòng" với bếp và nhà vệ sinh được chia ra bởi vách ngăn.
Bên cạnh đó, kích thước của 747 rất lớn so với những chiếc Boeing 707 và Douglas DC-8 vốn là trụ cột trong đội bay quốc tế của các hãng hàng không trong những năm 1960. Trước khi có loại Boeing 747 này, cả ngành công nghiệp chế tạo máy bay lẫn dịch vụ vận chuyển hàng không vốn chỉ có những loại máy bay nhỏ, chuyên chở tối đa trên dưới 200 hành khách, bay đường dài phải dừng giữa đường để tiếp nhiên liệu.
Máy bay Boeing 747 ra mắt tại Triển lãm Hàng không Paris năm 1969. Chiếc 747-100 thuộc biên chế hãng hàng không Pan American đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 1970, trên chuyến bay từ New York (Mỹ) đến London (Anh). Ảnh: Boeing. |
Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970, thời hoàng kim của ngành hàng không đã trở lại vào năm 1989, khi Boeing cho ra mắt dòng 747-400 với động cơ mới và các vật liệu nhẹ hơn, khiến nó hoàn toàn phù hợp để đáp ứng nhu cầu tăng cao cho các chuyến bay xuyên Thái Bình Dương.
Trong giai đoạn 1970-1990, dòng máy bay Boeing 747 đã mở ra cơ hội khám phá thế giới cho hàng triệu người chưa bao giờ đi nước ngoài. Tầm bay của nó cho phép các hãng hàng không bay thẳng giữa các thành phố lớn chưa từng được kết nối trước đó. Kích thước của 747 giúp các hãng bay có thể lấp đầy các ghế ở phía sau với giá vé rẻ hơn.
Với hàng trăm hành khách đến và đi trên mỗi chiếc máy bay phản lực khổng lồ, các sân bay phải nhanh chóng thích nghi, mở rộng phòng chờ lên máy bay, quầy làm thủ tục và nhà ga. Mọi hãng hàng không quốc tế đều muốn tạo uy tín khi vận hành 747.
Những chiếc máy bay phản lực khổng lồ như Boeing 747 cũng giúp việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đến khắp nơi trên thế giới dễ dàng hơn, giúp các công ty, tập đoàn đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng từ đồ điện tử đến thực phẩm.
Máy bay 747 được thiết kế vào thời điểm ngành hàng không kỳ vọng vàophương tiện vận chuyển siêu thanh (SST) - những chiếc máy bay của tương lai. Máy bay vận tải siêu âm đầu tiên trên thế giới - Tupolev Tu-144 - do Liên Xô thiết kế, đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1968 và chiếc Concorde của Anh - Pháp cất cánh hai tháng sau. Tuy nhiên, các dự án SST không lâu sau đã nhanh chóng “lụi tàn”.
Mẫu Boeing 747-8F thiết kế để chở hàng vẫn đang được tin dùng. Ảnh: Boeing. |
Các chuyên gia vào những năm 1960 đã dự đoán rằng Boeing 747 sẽ có thời gian tồn tại ngắn, cuối cùng nhường chỗ cho những chiếc máy bay di chuyển với tốc độ gấp nhiều lần vận tốc âm thanh. Các nhà thiết kế của 747 đã cố gắng chứng minh tương lai của chiếc máy bay phản lực khổng lồ này bằng cách chế tạo nó để chở hàng hóa. Khoang chính của 747 có kích thước rộng khoảng 6 m, có thể chứa hai container hàng hóa tiêu chuẩn.
Theo Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), năm 1990, Boeing 747 chiếm 71% tổng số lượng máy bay chở hàng thân rộng trên toàn thế giới với 542 chiếc, song trong năm 2022, con số này giảm xuống còn 109, chỉ còn 2%.
Cuộc cách mạng mà Boeing 747 mở ra cho ngành hàng không theo thời gian đã đem lại những thành quả đáng kinh ngạc nhưng cũng khiến cho chính nó dần bị lu mờ. Với xu thế cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển, kỷ nguyên của “Nữ hoàng bầu trời” khép lại là điều không thể tránh khỏi.
Song sự kết thúc của Boeing 747 được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cho sự đột phá ngành công nghiệp chế tạo máy bay trong tương lai, mở ra những thế hệ máy bay mới tiết kiệm nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường, tích hợp nhiều tiện ích và công năng mới, vươn được tới những vùng trời xa xôi hơn.
Là một trong những quốc gia lớn nhất thế giới, Mỹ sở hữu vô số điểm đến thú vị, đầy sự khác biệt. Zing giới thiệu đến độc giả loạt sách về đất nước rất được quan tâm này.
Hoàng Vũ
Theo CNN
Theo: ZINGNEWS.VN |