05/10/2022 (08:35:44)
Dù đã sống ở Việt Nam lâu, nhiều người nước ngoài vẫn không quen nổi cách uống cà phê sữa hoặc đen đá.
Florian (trái) thích uống cà phê mỗi ngày nhưng không phải kiểu truyền thống của Việt Nam. Ảnh: Anh Tú. |
Florian đã sống ở Việt Nam hơn 30 năm. Anh có một "quán ruột" ở Thảo Điền và sáng nào cũng ngồi uống tại đây. Florian nói mỗi ngày anh uống ít nhất 2 cốc cà phê nhưng là latte hoặc cappuccino. Cà phê sữa hoặc đen đá ở Việt Nam khá "nặng đô" nên không phải lựa chọn với Florian.
Chia sẻ với Zing, Florian nhận xét cà phê sữa đá của Việt Nam thực sự khác biệt so với những loại cà phê anh đã thưởng thức ở các nước khác. Dù được pha với sữa, nó vẫn quá mạnh để thưởng thức.
Ngồi cùng Florian ở quán cà phê quen thuộc là Mark. Anh đang tận hưởng kỳ nghỉ tại Việt Nam. Anh từng tới đây nhiều lần và cũng học được thói quen uống cà phê cả ngày của người Việt. Tuy nhiên, cũng như Florian, cà phê kiểu truyền thống ở Việt Nam là thứ Mark thường "không dám đụng vào".
Anh chia sẻ: "Dĩ nhiên cà phê của các bạn rất ngon. Một cốc cà phê sữa vào buổi sáng đủ giúp tôi tỉnh cả ngày. Nếu uống vào buổi tối, tôi sẽ mất ngủ nguyên đêm. Ngay cả buổi chiều, tôi cũng không dám đụng đến cà phê sữa vì sợ tối mất ngủ".
Grant thường chọn cách pha loãng cà phê để "giảm đô". Ảnh: Anh Tú. |
Mark tiếp tục nhâm nhi ly cappuccino đang dở. Anh thích những ly cà phê nhẹ nhàng như vậy hơn. Khi đến Thái Lan du lịch, Mark cũng thử cà phê. Nhìn chung, cà phê ở xứ Chùa Vàng khá nhẹ nhàng, được pha theo kiểu espresso. Trong khi đó, cà phê ở Việt Nam lại đậm vị hơn hẳn.
"Nỗi sợ" trước độ mạnh của cà phê Việt Nam đã được nhiều người nước ngoài xác nhận. Và đó cũng là điều khiến họ yêu thích cà phê ở đây. Một số người không thích cà phê nhẹ nhàng kiểu cappuccino hay latte nhưng lại sợ độ mạnh của cà phê truyền thống Việt Nam. Do đó, họ chọn cách đổ thêm nước vào để làm loãng cà phê đi.
Grant Wilson (đến từ Australia), từng sống ở Việt Nam 7 năm, đã chọn cách này để có thể thưởng thức một ly cà phê truyền thống của Việt Nam. Sau này, Grant mới phát hiện ra một loại cà phê nhẹ nhàng hơn là bạc xỉu. Ông cho biết mình thích bạc xỉu vì lượng cà phê vừa đủ, có vị thơm của cốt dừa (tùy quán).
Đó là nhận xét chung của nhiều người nước ngoài khi được hỏi về cà phê ở Việt Nam. Một ly cappuccino ở Mỹ giá khoảng hơn 100.000 đồng. Tại Việt Nam, họ có thể thưởng thức một ly ngon không kém với giá chưa tới một nửa.
Vừa tới Việt Nam lần đầu để thăm quê vợ nhưng Emilio đã yêu cà phê Việt Nam từ lâu. Chia sẻ với Zing, anh cho biết mỗi sáng, vợ đều pha cho mình một ly cà phê sữa Việt Nam. Du khách người Mỹ này nói một ly cà phê Việt Nam giúp tinh thần anh bừng tỉnh và hưng phấn mỗi sáng.
Emilio (trái) có tình yêu với cà phê Việt Nam nhờ vợ. Ảnh: Anh Tú. |
"Tôi chỉ có thể uống được cappuccino hoặc cà phê sữa Việt Nam. Tôi không uống nổi cà phê đen như người Việt", anh nói.
Trong lần ghé thăm Việt Nam này, du khách Mỹ được trải nghiệm văn hóa cà phê vỉa hè - thứ "đặc sản" từng lên báo nước ngoài nhiều lần. Gương mặt hạnh phúc khi uống cà phê và tán gẫu của người Việt khiến Emilio thích thú. Các quán cà phê được thiết kế có thể nhìn ra đường phố. Đó là trải nghiệm không có ở nhiều nơi trên thế giới.
Mat, người đã sống ở Việt Nam 3 năm, cũng có suy nghĩ tương tự. Anh nhận xét không gian mở, dễ dàng ngắm đường phố là nét đặc trưng ở những quán cà phê Việt Nam. Tại Melbourne (Australia), quê hương của Mat, mô hình này không nhiều.
Từ khi sống ở Việt Nam, Mat cũng có cho mình 2-3 quán "ruột". Chất lượng của các quán hầu như đều tốt. Cà phê ngon, rẻ nhưng mạnh nên thỉnh thoảng Mat mới dám uống cà phê sữa. Chủ yếu, anh chọn cappuccino và latte.
"Ở Melbourne, mọi người cũng có văn hóa ra quán cà phê gần giống người Việt. Người đến gặp bạn bè, một số tới làm việc. Có người đến mua cà phê rồi mang đi… Tôi nghĩ văn hóa cà phê của người Việt thật sự tuyệt vời. Biết uống cà phê cũng là điều tốt bởi nó có lợi cho sức khỏe", Mat nhận xét.
Anh Tú - Bích Phương
Theo: ZINGNEWS.VN |