07/11/2022 (07:33:12)
Luật sư cho biết chủ xe vẫn có nguy cơ phải chịu phạt thay người mượn trong trường hợp không chứng minh được người phạm lỗi không phải mình.
Vừa qua, tôi nhận được thông báo phạt nguội từ CSGT nhưng vào thời điểm đó tôi không điều khiển phương tiện mà cho một người bạn mượn.
Trong trường hợp này, tôi có thể yêu cầu người lái xe vi phạm nộp phạt hay không? Và chủ phương tiện khi nhận thông báo phạt nguội cần làm gì?
Độc giả H.P.L. ( ở quận Bình Thạnh, TP.HCM)
Phạt nguội là hình thức xử lý vi phạm sau khi các phương tiện đã vi phạm được một khoảng thời gian nhất định. Với hình thức phạt này, chủ các phương tiện vi phạm không bị xử lý ngay khi vi phạm mà hình ảnh vi phạm được ghi lại bằng hệ thống camera và gửi về cho chủ xe.
Khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Theo quy định trên, chủ xe sẽ được gửi thông báo yêu cầu đến trụ sở của đơn vị CSGT để giải quyết vụ việc. Khi đó, chủ phương bắt buộc phải đến và có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người trực tiếp lái xe có hành vi vi phạm.
Thông báo phạt nguội gửi về cho chủ xe sẽ đính kèm hình ảnh và thời gian vi phạm trích xuất từ camera giao thông. Việc chủ phương tiện cần làm chính là chứng minh bản thân có bằng chứng ngoại phạm trong khoảng thời gian phương tiện vi phạm giao thông; hoặc có bằng chứng xác minh người vi phạm đã mượn phương tiện của mình vào khoảng thời gian đó. Trường hợp, chủ phương tiện xuất trình được hợp đồng cho thuê hoặc có tài liệu chứng minh chiếc xe đó cho người khác mượn, trong thời gian sử dụng, người mượn vi phạm giao thông thì cơ quan chức năng sẽ thông báo cho người mượn, thuê chiếc xe đó đến làm việc để xử lý.
Để hỗ trợ quá trình điều tra, các hình ảnh hay tin nhắn liên quan đến việc mượn xe nên được cung cấp đầy đủ, thậm chí nhân chứng cũng có thể tham gia. Một số trường hợp, người mượn và chủ xe nên cùng tới gặp CSGT để đối chất nhằm hỗ trợ xác minh vụ việc.
Tuy nhiên, nếu chủ xe không chứng minh được người điều khiển phương tiện vi phạm là người khác hoặc chủ xe không chịu phối hợp điều tra, cố ý bao che cho hành vi phạm tội của người mượn thì toàn bộ trách nhiệm sẽ thuộc về chủ xe.
Theo khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong trường hợp chủ xe không hợp tác hoặc không giải trình, chứng minh được người khác đã lái xe vi phạm thì phải nộp phạt theo quy định.
Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện.
Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt tiền bằng 2 lần mức xử phạt quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện nhưng không quá mức phạt tiền tối đa, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép.
Như vậy, trường hợp cho mượn xe mà bị phạt nguội, nếu chủ xe không chứng minh được mình không phải là người lái xe vi phạm hoặc không giải trình để xác định người vi phạm thì sẽ phải nộp phạt thay. Nếu chứng minh được mình không vi phạm và hỗ trợ CSGT xác định chính xác người vi phạm, chủ xe sẽ không phải nộp phạt.
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.
Thùy Dung
Theo: ZINGNEWS.VN |