Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Áp lực đè lên các 'siêu nhân' vừa làm, vừa học thạc sĩ

11/10/2022 (15:45:44)

Lượng kiến thức lớn, không có thời gian nghỉ ngơi vào cuối tuần là những áp lực mà nhiều người gặp phải khi lựa chọn vừa đi làm, vừa học chương trình thạc sĩ.

Nhiều người gặp áp lực vì vừa đi làm vừa theo học chương trình thạc sĩ. Ảnh: Pexels.

Sắp hoàn thành 2 năm học thạc sĩ ngành Quan hệ công chúng ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Kim Anh (24 tuổi) vẫn nhớ những ngày đầu của con đường vừa đi học, vừa đi làm.

"Thời điểm đó, các ngày trong tuần tôi đều đi làm. Thứ 7, chủ nhật, tôi lại đến trường học thạc sĩ cả ngày. Buổi sáng từ 8h đến gần 12h. Buổi chiều từ 13h30 đến 17h30. Đã có lúc tôi hối hận vì lựa chọn chương trình học này, nhưng tôi tự an ủi bản thân rằng 2 năm sẽ trôi qua nhanh để cố gắng hơn", Kim Anh nói.

Có người bảo lưu vì quá stress

Kim Anh đang làm tư vấn truyền thông cho một dự án phát triển của tổ chức phi chính phủ. Năm 2020, cô tốt nghiệp cử nhân ngành Quan hệ Công chúng. Sau khi đi làm nửa năm, cô chọn theo học chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế với học phí gần 50 triệu đồng/2 năm học.

Theo Kim Anh, bằng thạc sĩ có nhiều lợi thế để ứng tuyển vào vị trí tư vấn truyền thông cho các dự án phát triển. Cô nhận định thị trường lao động của ngành này phần lớn ưu tiên các ứng viên có bằng thạc sĩ hoặc có số năm kinh nghiệm làm việc lớn.

"Sở hữu bằng thạc sĩ, mức lương của tôi có thể cao hơn một chút so với thị trường chung. Tôi thấy xã hội ngày càng phân hóa hơn về bằng cấp. Ngày xưa, số người sở hữu bằng thạc sĩ hiếm lắm nhưng giờ đã phổ biến hơn nhiều và nó đã trở thành một trong những tiêu chí để công ty lựa chọn ứng viên", Kim Anh nói.

Ở lớp thạc sĩ Quan hệ công chúng của Kim Anh, phần lớn học viên có nhu cầu học tập vì muốn phục vụ tốt hơn trong công việc. Trong đó, 50% học viên có độ tuổi từ 24 đến 26 tuổi.

Hoc thac si anh 1

Kim Anh đang theo học chương trình thạc sĩ Quan hệ công chúng.

Sau nửa năm đi làm, khi học thạc sĩ, Kim Anh gặp nhiều khó khăn vì không thể quay về guồng học tập như ngày xưa. Thời gian đầu, cô mất 1 đến 2 tháng để thích nghi với lịch học và làm việc dày đặc.

"Trong tuần, có một số buổi tối tôi phải làm bài tập nhóm. Đến giai đoạn cuối - viết luận văn - một vài hôm tôi xin nghỉ làm hoặc tranh thủ thời gian nghỉ trưa để đi đến trường nộp giấy tờ, tiểu luận. Vì quá stress khi vừa học, vừa làm, hai người bạn của tôi đã quyết định bảo lưu", Kim Anh nói.

Đồng cảnh ngộ, Phạm Khánh Toàn (23 tuổi) đang theo học chương trình thạc sỹ Kinh tế tài chính công ở Đại học Kinh tế TP.HCM, cũng gặp rắc rối trong giai đoạn đầu vì không thể cân bằng giữa việc học và đi làm.

Khánh Toàn đang làm việc ở Cục thuế tỉnh Bạc Liêu. Để có cơ hội thăng tiến trong công việc và cải thiện tài chính, tăng hệ số lương lên một bậc, anh đã chọn học thạc sĩ.

"Tôi nghĩ trong thị trường lao động có mặt bằng chung là bằng cử nhân đại học thì việc sở hữu bằng thạc sĩ sẽ giúp bản thân nhỉnh hơn về trình độ và kiến thức. Qua đó, tôi có thêm lợi thế cạnh tranh trong công việc", Toàn nói.

Mỗi tuần, vào thứ 7 và chủ nhật, Khánh Toàn sẽ di chuyển từ Bạc Liêu lên TP.HCM để học thạc sĩ tại Đại học Kinh tế TP.HCM. Chương trình thạc sĩ Kinh tế tài chính công của anh có học phí từ 15 đến 16 triệu đồng/học kỳ.

"Vừa ra trường nên kiến thức thực tiễn về công việc của tôi khá thấp. Chương trình học lại giảng dạy nhiều về các kiến thức thực tiễn nên tôi phải dành thời gian để tự tìm hiểu ở nhà. Vừa học, vừa đi làm rất nặng, thời gian đầu tôi loay hoay mãi vì không biết cân bằng sao cho hợp lý", Toàn nói.

Cần cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn

Hiện tại, Kim Anh không còn học trên lớp. Cô đang dành thời gian để làm luận văn tốt nghiệp. Dự kiến, vào tháng 12 năm nay, Kim Anh sẽ tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quan hệ công chúng.

"Hai năm vừa qua, tôi thấy chương trình thạc sĩ này khá tốt, tuy nhiên, một số môn học còn lặp lại kiến thức ở trình độ đại học. Tôi nghĩ nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, bản thân phải học chương trình tiến sĩ", Kim Anh nói.

Hoc thac si anh 2

Phạm Khánh Toàn đang học chương trình thạc sĩ Kinh tế tài chính công.

Trải qua một năm học thạc sĩ, Khánh Toàn đã cân bằng được việc học và làm. Mỗi tuần, anh sẽ lên thời gian biểu cho bản thân và ghi chú các deadline (hạn nộp) của từng môn.

Toàn cho biết trong quá trình học thạc sĩ, người học phải thực hiện nhiều bài tập. Tuy nhiên, hạn nộp các bài tập được kéo dài nên anh có thể phân bố mỗi ngày làm một ít.

Theo Khánh Toàn, nhiều người trẻ đang có xu hướng học thạc sĩ ngay khi tốt nghiệp cử nhân đại học. Tuy nhiên, sinh viên không nên chạy theo đám đông để học chương trình đào tạo này nếu không cần thiết.

"Hiện tại, vẫn có nhiều ngành nghề không yêu cầu bằng thạc sĩ. Các bạn nên hoạch định rõ 'đường đi' của bản thân để học xong có thể tận dụng tối ưu giá trị của tấm bằng này", Toàn nói.

Đồng quan điểm, Kim Anh cho rằng người học chỉ nên đăng ký chương trình đào tạo thạc sĩ khi thật sự cần và xác định rõ lợi ích của việc học đối với định hướng công việc của bản thân.

"Học thạc sĩ yêu cầu mỗi người phải đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Nếu chỉ học theo xu hướng, không xác định rõ lợi ích của việc học thì rất lãng phí", Kim Anh nói.

Kim Anh cũng chia sẻ thêm đối với những sinh viên mới tốt nghiệp cử nhân đã lựa chọn theo học thạc sĩ thì cần chắc chắn về định hướng công việc.

"Trước đây, tôi từng có tâm lý chọn học thạc sĩ ngay khi tốt nghiệp cử nhân để làm cái cớ trốn tránh bước vào thị trường lao động hoặc làm khoảng nghỉ. Nhưng sau đó, tôi đã suy nghĩ lại. Tôi chọn đi học thạc sĩ khi đã đi làm và quyết định gắn bó lâu dài với công việc hiện tại. Nếu các bạn chưa xác định mình muốn gì thì đừng vội chọn học thạc sĩ", Kim Anh nói.

Nguyễn Hằng

Ảnh: NVCC

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)