03/10/2022 (13:56:43)
Theo các chuyên gia, nhân viên không muốn tham gia khóa training của công ty do nhiều nguyên nhân. Khi các khóa training không hiệu quả, công ty cũng bị tốn kém chi phí đào tạo.
Nhiều nhân viên chán nản vì khóa training của công ty. Ảnh: Pexels. |
Trong thời gian làm giám đốc hệ thống chuyên đào tạo khóa học ở các công ty đa quốc gia (Thinking School Switzerland), TS Vũ Thế Dũng - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa TP.HCM - đã tổ chức nhiều khóa training khác nhau. Các khóa training mà ông Dũng tổ chức thường theo 3 nhóm là đào tạo các kỹ năng quản trị, lãnh đạo; đào tạo tư duy; và đào tạo kỹ năng training cho nội bộ công ty.
Ông Dũng cho biết nhằm tăng sức cạnh tranh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường lao động, nhu cầu training nhân viên ở các công ty cực lớn.
ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông, ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng để công ty tìm ra ứng viên phù hợp, việc training nhân viên là luôn cần thiết.
"Khi đi làm ở một công ty nào đó, điều quan trọng nhất vẫn là sự phù hợp. Nhiều bạn rất có tiềm năng nhưng không được training thì các sản phẩm của bạn ấy cũng không như mong muốn, định hướng của công ty", ông Phương nói.
Về phía nhân viên, theo ông Dũng nhiều bạn trẻ hiện nay xem việc được đào tạo và phát triển ở công ty là một trong những tiêu chí quan trọng để lựa chọn môi trường làm việc.
Điều này thể hiện rõ trong cuộc khảo sát trực tuyến tuyến 2.042 người từ 18 tuổi trở lên (bao gồm 1.054 người đã được tuyển dụng) - thực hiện bởi The Harris Poll của Hiệp hội nhân sự Mỹ vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm 2021. Cụ thể, 84% người được hỏi xem việc được tham gia các khóa đào tạo phát triển chuyên môn nghề nghiệp của nhà tuyển dụng là yếu tố quan trọng để họ cân nhắc lựa chọn công việc.
Chia sẻ với Zing, TS Vũ Thế Dũng và ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương đã đưa ra 4 lời khuyên để các công ty tổ chức khóa training nhân viên hiệu quả, không bị nhàm chán.
Nhân viên mong các khóa training mang lại hiệu quả. Ảnh: Info-jeunes.fr. |
TS Vũ Thế Dũng nhận thấy khi nhân viên nghe thông tin về các khóa training do công ty tổ chức, họ thường có 2 trạng thái cảm xúc.
Trạng thái đầu tiên ở một số nhân viên là thích việc học; từ sếp đến nhân viên đều hiếu học và mong muốn tham gia các khóa training này. Ngược lại, nhiều người có cảm xúc bực bội vì công việc quá bận rộn, họ khó thu xếp để học tập hiệu quả.
Đối với các khóa training bắt buộc ở công ty, nhiều nhân viên không thích học vì họ đã có kỹ năng này rồi; hoặc các khóa học không cần thiết cho công việc của họ.
Bên cạnh đó, người đi làm chán nản với các khóa training ở công ty còn do nội dung, phương pháp dạy của đơn vị đào tạo không tốt, thiếu hiệu quả, khiến nhân viên mất thiện cảm với việc học.
Theo ông Dũng, doanh nghiệp muốn đào tạo nhân viên phải thiết kế chương trình hay, dạy tốt, cho nhân viên thấy hiệu quả của các khóa training. Nếu không, nhân viên sẽ chán nản, học cho có và doanh nghiệp cũng tốn chi phí đào tạo.
Công ty cần xác định rõ, nhân viên không tiếp nhận các khóa training thì việc tổ chức đào tạo sẽ không mang lại hiệu quả. Công ty dạy "đúng chỗ", đúng kiến thức nhân viên đang cần, họ sẽ chủ động đi học.
Nguyên nhân người đi làm chán các khóa training của công ty còn do phương pháp dạy không hiệu quả. Ảnh: Second Nature. |
TS Vũ Thế Dũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất ở các khóa training của công ty là làm cho nhân viên yêu thích việc học và thấy được hiệu quả của học tập.
"Điều này sẽ tạo thành văn hóa học tập ở công ty. Công ty có văn hóa học tập rồi thì tự động nhân viên sẽ thúc đẩy nhau đi học", ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, các công ty nên tổ chức khóa training cho một nhóm nhân viên thích học trước. Khóa training này phải dạy thật hay và chất lượng. Sau đó, công ty mới nên tổ chức các khóa có quy mô lớn hơn. Trong việc tổ chức đào tạo nhân viên, ông Dũng khuyên công ty không nên chạy theo tiêu chí số lượng.
Trước khi xây dựng các khóa training ông Dũng cho rằng các doanh nghiệp phải nắm rõ nhu cầu của nhân viên và công ty; đồng thời, khảo sát nội bộ để tìm được nhu cầu thực tế mà nhân viên đang cần cho công việc của họ.
Nhiều trường hợp công ty thấy được nhu cầu cần đào tạo của nhân viên, nhưng nhân viên lại không thấy. Đối với tình huống này ông Dũng khuyên doanh nghiệp cần động viên người lao động.
Đồng quan điểm, khi tổ chức các khóa training ở cơ quan, ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương không bao giờ "cào bằng" nhu cầu đào tạo của nhân viên.
"Các công ty trước khi tổ chức khóa học nên khảo sát đặc tính tâm lý nhân viên đang ở ngưỡng nào (hướng nội hay hướng ngoại). Ứng với từng người, công ty cần cho họ một 'menu' 10 khóa training bắt buộc để họ lựa chọn. Tôi nghĩ khóa training bắt buộc cũng phải có sự dân chủ, nhân viên cũng cần được chọn khóa phù hợp với bản thân", ông Phương nói.
Dựa trên nền tảng kiến thức nhân viên đang có và kỳ vọng của họ đối với công việc, ông Phương sẽ tổ chức các khóa training chuyên sâu hơn, ứng với từng nhân viên cụ thể.
Nguyễn Hằng
Theo: ZINGNEWS.VN |