27/11/2022 (07:10:09)
Dù đã học xong gần 2 năm, Quỳnh Mai vẫn chưa chịu lấy bằng vì thấy chưa cần thiết. Trong khi đó, sau khi chậm hơn một năm, Hoàng Long quyết định lấy bằng sau để phòng thân.
Có công việc với mức thu nhập từ khi sinh viên, cả Mai và Long đều hoãn việc lấy bằng tốt nghiệp. Ảnh minh họa: SCMP. |
“Mình nhận bằng vài tháng thì TP.HCM bùng dịch trở lại. Không lo lắng việc bị sa thải nhưng nếu việc đó xảy ra thật, có khi mình thất nghiệp vì chưa lấy bằng tốt nghiệp đại học”, Hoàng Long (25 tuổi, cử nhân ngành Công nghệ Thông tin tại một trường đại học tại TP.HCM) chia sẻ với Zing.
Dù hoàn thành chương trình học đúng thời hạn, hơn một năm sau, Hoàng Long mới nhận bằng vì trì hoãn thi chứng chỉ tiếng Anh để xét tốt nghiệp.
Tương tự, tháng 1/2021, Quỳnh Mai (23 tuổi, Hà Nội) hoàn thành chương trình đại học, sớm 6 tháng so với quy định. Tuy nhiên, cũng do thiếu chứng chỉ tiếng Anh chuẩn đầu ra, Mai chưa thể làm hồ sơ xét tốt nghiệp tại thời điểm đó.
Dù chậm tốt nghiệp, cả Long và Mai đều khẳng định cần lấy bằng tốt nghiệp để có thêm cơ hội trong tương lai.
Trước khi hoàn thành chương trình học, Mai đã ứng tuyển và làm nhân viên Marketing tại một nhãn hàng được 3 tháng. Công ty không yêu cầu bằng đại học, vì vậy, Mai quyết định sẽ xét tốt nghiệp cùng đợt (6/2021) với các bạn cùng khóa, dành thời gian vừa đi làm, vừa học thêm tiếng Anh.
Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm, bằng đại học vẫn chưa về đến tay Mai. Chia sẻ với Zing, cô cho biết một phần vì lười, cô chưa đăng ký thi lấy chứng chỉ, một phần vì khối lượng công việc nhiều, không có thời gian.
“Trường mình quy định được học tối đa 7 năm. Tức đến năm 2024 mình mới hết hạn lấy bằng. Bên cạnh đó, làm việc hơn 2 năm rồi, công ty không yêu cầu bằng. Vì vậy mà mình cứ 'lần lữa' không đi thi, lấy lý do bận công việc để lười”, Mai nói.
Trong khi đó, Hoàng Long cũng đã học xong từ 2019 và có công việc chính thức từ trước đó. Mải miết đi làm, Long tạm quên mất việc bản thân chưa chính thức ra trường. Giống như Mai, công ty của Long cũng không yêu cầu anh cung cấp bằng.
“Công ty mình quan trọng khả năng làm việc của mỗi người chứ không quan tâm bằng cấp. Khi ký hợp đồng, bộ phận nhân sự có hỏi qua bằng cấp của mình nhưng chủ yếu dựa trên nhận xét của sếp để đưa ra offer. Vì vậy, mình cũng không vội tốt nghiệp”, anh kể.
Long cho hay mọi người xung quanh ai cũng thúc giục anh chuyện tốt nghiệp, chính anh cũng thừa nhận việc trễ tốt nghiệp của mình là do lười. Đối với Long, việc thi chứng chỉ TOEIC và đủ điểm để tốt nghiệp không khó, tuy nhiên, anh hay lấy lý do công việc để trì hoãn đi thi.
Đối với Long, việc thi chứng chỉ TOEIC và đủ điểm để tốt nghiệp không khó, tuy nhiên, anh hay lấy lý do công việc để trì hoãn đi thi. Ảnh minh họa: New York Times. |
Cá nhân Mai nhận định ở lĩnh vực Marketing, dù không có bằng cấp, cơ hội vẫn rộng đối với những ứng viên đã có kinh nghiệm thực chiến cũng như đáp ứng được yêu cầu công ty đưa ra. Mai cho hay nhiều bạn bè của cô không học qua trường lớp vẫn làm được công việc này với mức thu nhập cao.
“Bạn bè mình không học ngành Marketing nhưng vẫn đi làm bình thường vì đã có kinh nghiệm. Bản thân mình cũng từng đi ứng tuyển một vài công ty khác, với kinh nghiệm sẵn có, các công ty trên cũng không yêu cầu mình cung cấp bằng”, Mai chia sẻ.
Mai cho biết thêm ở lớp đại học của cô, mới đây, giảng viên chủ nhiệm thông báo danh sách những người chưa lấy bằng tốt nghiệp, con số lên đến 20 bạn. Tuy nhiên, những người này theo lời Mai đều đã có công việc ổn định.
Dù bản thân trì hoãn việc lấy bằng, Mai vẫn không khuyến khích người khác giống cô, hoặc thậm chí là không lấy. Dù chưa tính đến việc thay đổi công ty, đầu năm 2023, cô vẫn dự định thi chứng chỉ tiếng Anh để làm hồ sơ xét tốt nghiệp, một phần để bố mẹ yên tâm, một phần để sẵn sàng sử dụng khi cần.
“Hiện tại, lấy bằng hay không, chậm hay muộn đều do mình lựa chọn. Tuy nhiên, mình lựa hoàn thành việc này bởi có bằng đại học sẽ giúp mình có thêm nhiều cơ hội sau này”, Mai nói.
Hoàng Long cũng cho rằng bằng tốt nghiệp sẽ là vật phòng thân trong tương lai. Năm 2020, Covid-19 bùng nổ ở Việt Nam, tạo ra làn sóng cắt giảm nhân sự lớn. Lúc này, Long mới bắt đầu suy nghĩ đến việc tốt nghiệp.
“Mình không lo công ty sa thải mình. Nhưng đến lúc ấy, mình nhận ra bằng tốt nghiệp có thể làm vật phòng thân, cho mình thêm cơ hội thăng tiến”, Long nói.
Tháng 10/2020, Long thi TOEIC và đạt 700 điểm. Anh nộp hồ sơ xét tốt nghiệp ngay khi trường có đợt và chính thức ra trường vào đầu năm 2022. Hiện tại, dù công ty vẫn không yêu cầu bằng tốt nghiệp, Long cũng cảm thấy an tâm khi đi làm hơn.
Theo chuyên gia hướng nghiệp Lê Tuấn Anh, tình trạng sinh viên chậm tốt nghiệp có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như lựa chọn ngành học chưa phù hợp ngay từ đầu, thiếu kỹ năng sắp xếp thời gian và học tập hiệu quả, dành thời gian riêng cho việc đi làm…
Anh Tuấn Anh đánh giá việc ra trường muộn có thể khiến ứng viên mất đi một số cơ hội tốt. Ảnh: NVCC. |
Anh đánh giá việc ra trường muộn không quá ảnh hưởng đến ứng viên nhưng cũng có thể khiến họ mất đi một số cơ hội tốt.
“Hiện này, khoảng cách 2-3 tuổi khi ra trường không còn là vấn đề lớn với nhà tuyển dụng, quan trọng là các bạn có đủ năng lực, kỹ năng và kiến thức làm việc. Chất lượng ứng viên có thể không quá ảnh hưởng bởi việc lấy bằng chậm, nhưng việc ra trường chậm hơn 1-2 năm so với bạn bè đồng trang lứa cũng có thể khiến bạn mất đi những cơ hội việc làm tốt và có ít kinh nghiệm làm việc thực tiễn hơn”, anh Tuấn Anh phân tích.
Theo anh Tuấn Anh, một số ngành nghề bắt buộc phải có bằng cấp như tài chính, luật, ngôn ngữ… Tuy nhiên, cũng có những ngành nghề bằng cấp không quá quan trọng như kinh doanh, bán hàng, tổ chức sự kiện...
Nếu chưa có bằng cấp, ứng viên nên có kinh nghiệm làm việc thực tiễn, nhiều mối quan hệ trong ngành và có kiến thức. Ứng viên có thể thu nạp những kiến thức này từ việc đi làm thực tế hoặc tham gia các khóa học ngắn hạn.
Cuối cùng, anh nhấn mạnh việc lấy tốt nghiệp muộn có thể tùy vào năng lực hoặc quyết định cá nhân mỗi người, tuy nhiên, “bằng cao đẳng, đại học không phải là con đường duy nhất để tìm được công việc tốt, nhưng đó là con đường đi nhanh hơn”.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.
Linh Thùy - Ngọc Bích
Theo: ZINGNEWS.VN |